Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Đặc sản Bún "mắng', cháo "chửi"!

Người Việt mình thích chen nhau chỗ chật thì phải. Hay thói quen xếp hàng thời bao cấp còn lưu luyến? Càng quát mắng, càng quen mồm quen miệng bỗng thành… tiếng lành đồn xa, khách ngày càng đông hơn.

Miếng ăn, miếng chửi

Ngồi quán bún ở 57 ngõ Ngô Sỹ Liên, nghe chủ quán mắng khách té tát vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, tôi bỗng co rúm người lại, chỉnh đốn mọi hành vi, lời ăn tiếng nói để… không bị chửi mắng. Trưa nắng như thiêu đốt vậy mà quán vẫn chật cứng người. Bát bún ba chục nghìn mà có tới gần chục miếng thịt chân giò to tướng, rất đầy đặn.

“Cháu đã bảo đừng chan nước béo rồi mà!”- Cô bé ngồi cách tôi một bàn kêu lên như than phiền. “Nước dùng béo hay gầy về nhà mà ăn, đây chỉ có thế thôi. Không ăn thì biến cho rộng chỗ!”. Bà chủ quán vừa xóc bún vừa liếc xéo ra mắng khách. Ánh mắt và lời nói như những mũi tên bay phần phật về phía cô gái, làm tôi cũng rát mặt như bị ném cát. Cô bé ngồi cạnh tôi bị mắng nhưng không dám cãi, chỉ lẩm bẩm: “Ăn uống mất tiền mà cứ như đi ăn xin”.
.
Ngày hôm sau, lựa lúc vắng khách nhất, khoảng 17h, tôi lại mò đến quán bún mắng để hỏi chuyện bà chủ quán tên Thảo.
“Cô ơi, người ta bảo quán của cô là quán bún chửi, nhưng cháu đã ăn ở đây mấy lần mà chẳng được chửi lần nào”. Được lời như cởi tấm lòng, bà Thảo trút bầu tâm sự: “Đấy, đấy…có phải ai tôi cũng mắng chửi đâu. Mình làm dâu trăm họ, muốn chiều khách lắm chứ. Như cậu đây thì tôi chửi thế nào được. Cậu gọi một bát móng giò, một chai bia, tôi chửi vào chỗ nào. Tôi chửi vô lý, khách hàng nghiêm chỉnh người ta không đấm cho ấy à. Nhưng mà, có những người õng ẹo, hoạnh hoẹ đủ thứ cơ. Lúc đang đông khách mà cứ đòi hỏi cái này cái nọ, vào sau lại đòi ăn trước, bố đứa nào chịu được. Thế tôi chẳng chửi cho à.

Hôm nọ có hai con õng ẹo vào ăn, bảo vào trong nhà ngồi nhưng cứ đòi ngồi ra đường… Chắc là sợ mất xe! Tôi đuổi thẳng cổ: Không vào trong thì biến ngay! Hôm qua, cũng có hai đứa con gái, vào ăn bún lại đòi cho cháu hai cốc trà đá trước. Khách thì đông, chưa ăn đã đòi uống, tôi bảo: Thôi khỏi uống, khỏi ăn gì, mời hai cô ra cho tôi bán hàng!”.

Bà Thảo cho biết, bà đã bán bún ở chợ Ngô Sỹ Liên hơn ba chục năm nay, không biển hiệu. Ngày nào cũng mở cửa từ lúc 11h30 và đóng cửa lúc 19h30. Về chuyện thương hiệu “bún mắng”, bà Thảo bảo chẳng biết ai đặt cho nhưng bà không muốn cái tiếng ấy.

“Chửi mắng nó già người đi chứ. Nhưng mình làm thật ăn thật, bỏ sức lao động ra để kiếm chút lời, mình không luỵ ai cả. Mọi người vẫn bảo khách hàng là thượng đế, họ bỏ tiền ra thì phải được phục vụ đến tận răng, nhưng tôi thì khác, không bán cũng được, chứ không thể đáp ứng những yêu cầu quá đáng hoặc hoạnh họe ra vẻ ta đây… Cứ vớ vẩn đòi hỏi là tôi đuổi” - bà Thảo nói.

Ở quán phở phố Bát Đàn, cũng giống như bia “bao cấp” ở số 115 Quán Thánh, đều phải xếp hàng theo thứ tự và tự tìm chỗ ngồi, có điểm khác là bia bao cấp còn phải mua “phiếu dịch vụ” sau đó mới ra xếp hàng chờ lấy bia. Sáng đó, có vị khách lạ không biết lệ, cứ vắt chân chữ ngũ gọi lớn: “Cho 1 bát phở”. Sau cả chục phút chờ, không ai nói gì, ông khách bực mình gọi lại, liền bị quát ầm ĩ: “Ăn thì ra xếp hàng, tự bưng chứ ai hầu đến tận mồm!”.

Ông khách choáng quá, cứ ngồi thừ ra, chẳng nói được câu nào, mãi sau mới bẽn lẽn ra xếp hàng. Ăn xong, dù thừa nhận phở có ngon thật nhưng cũng đành thốt lên: “Từ nay tôi cạch đến già/Tôi chẳng dám đến hàng bà nữa đâu!”. Thế nhưng nhiều người vẫn nhẫn nại, thản nhiên cười hề hề khi xếp hàng, trả tiền trước để được nhận tô phở rồi tự tìm chỗ ngồi ăn.

Mắng chửi làm… thương hiệu

Bạn tôi tên N., một người rất tỉ mỉ trong ăn uống, tuần nào cũng mò lên quán phở Bát Đàn. Thường thì vào thứ bảy, nhưng cũng có tuần nổi cơn thèm N. phóng xe từ nhà ở phố Chùa Bộc lên Bát Đàn mất cả nửa tiếng đồng hồ, sẵn sàng chờ đợi vài chục phút nữa để hưởng cái hương vị của phở.
N. bảo, xếp hàng thì có làm sao, tự bưng bê thì cũng có làm sao đâu? Mấu chốt là đồ ăn có ngon hay không! “Tớ sợ nhất là phục vụ chu đáo nhưng đồ ăn lại dở ẹc, tính tiền thì cắt cổ”.

Trên phố Nhà Thờ, quán cháo gà của bà M., cũng nổi tiếng với thương hiệu cháo “chửi”. Bà chủ này có thể chửi khách, chửi nhân viên từ sáng tới khuya. Chuyện kể rằng, có lần gặp vị khách Sài Gòn, vừa chê cháo nhạt, anh xin thêm chút muối, liền bị bà M. chửi cho te tua: “Mặn nhạt cái gì, cả trăm người có ai chê đâu. Không ăn thì biến”. Quá sốc, vị khách cầm cả tô cháo đổ xuống rãnh vỉa hẻ, rồi anh vứt trả cả tờ 50 ngàn đồng.

Quá bất ngờ, bà M. không nói thêm được lời nào. Nhưng sau lần ấy, bà M. vẫn không bỏ được tật chửi khách. Cho đến một lần bán đêm, gặp đúng nhóm thanh niên đi bụi, khách vừa xin thêm mấy cọng hành, liền bị bà M. chửi, cả nhóm thanh niên bỏ cháo, phá cả cửa hàng. Từ đó, người ta thấy bà M. ít chửi khách hơn. Bà chuyển sang chửi nhân viên ra rả cả ngày. Nhưng lạ, khách vẫn đến đông.

Người Việt mình luôn thích chen nhau chỗ chật thì phải. Một thói quen xếp hàng thời bao cấp còn lưu luyến chăng? Quán nào càng đông đúc người ta càng lao đến, càng chào mời thì lại… chạy xa. Nơi chủ quán vừa mắng chửi vừa bán hàng mà vẫn đông khách chứng tỏ đồ ăn thức uống phải ngon thì chủ quán mới dám cất lời mắng nhiếc thượng đế. Dường như, càng quát mắng, càng quen mồm quen miệng bỗng thành… tiếng lành đồn xa, khách ngày càng đến đông hơn.

"Với một quán ăn, khách chính là ân nhân, đem lợi nhuận cho chủ quán. Chủ hàng họ không tri ân khách thì thôi, lại còn chửi, thật vô văn hoá hết chỗ nói. Chúng ta nên tẩy chay họ, lần sau không đến nữa và rủ nhiều người cùng tẩy chay, không đến nữa. Chỉ có như vậy, họ mới hành xử có văn hóa hơn” - Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc.

Du lịch, GO! - Theo báo Tiền Phong, internet

Du khách bị… “chặt chém” tơi bời!

Nhiều khách du lịch đến Nha Trang, nếu không có “thổ địa” chỉ dẫn, dễ thành con mồi ngon của những tay cò: cò ăn uống, cò mua sắm, cò nhà nghỉ… Khi nhận ra mình bị “sập bẫy” thì đã quá muộn!
Tình trạng này vô hình trung đã tác động không nhỏ đến thương hiệu “Nha Trang - Khánh Hòa văn minh và thân thiện” mà địa phương đang nỗ lực xây dựng trong suốt những năm qua…

Kỳ 1: Nghệ thuật “chặt chém”!

Những ngày giữa Hè, từ chập tối đến 1 - 2 giờ khuya, nhiều quán nhậu hải sản trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang) vẫn tấp nập xe taxi và đông nghịt khách. Du khách đến thành phố biển ngoài việc nghỉ dưỡng còn tìm đến các hàng quán để thưởng thức đặc sản của Nha Trang. Thế nhưng, họ không thể ngờ rằng, mình đang tự nguyện “đưa cổ” cho những hàng quán này…“chém” đẹp.
.
Sự nhiệt tình đáng ngờ

Trong vai là những du khách vừa “chân ướt, chân ráo” đến thành phố biển, 21 giờ khuya một ngày giữa tuần, từ sảnh một khách sạn ở đường Phạm Văn Đồng thuộc phường Vĩnh Hải, TP. Nha Trang, chúng tôi gọi một chiếc taxi của hãng M.L. Vừa lên xe, chúng tôi ngỏ ý muốn đi ăn hải sản ở Nha Trang. Ngay lập tức, tài xế gợi ý: Nếu nhậu hải sản thì ở Nha Trang chỉ có quán M.Đ. (đường Phạm Văn Đồng, Nha Trang). Sau khi nghe chúng tôi nói, trên đường này có quán C.H cũng nổi tiếng, vừa ngon vừa rẻ, vừa đúng lúc xe chạy qua quán này, anh tài xế phán: “Đây, quán đó đây (quán C.H), quán này toàn hàng đông lạnh thôi. Qua M.Đ, nhà nó có ghe đi biển nên có đồ tươi, địa bàn nó lại rộng, chế biến còn ngon nữa…”. Nghe “quảng cáo” hấp dẫn, chúng tôi xiêu lòng, quyết định đến quán M.Đ ăn hải sản.

< Vào giờ cao điểm, quán M.Đ luôn có hàng chục chiếc taxi đưa khách du lịch tới ăn nhậu.

Đã hơn 21 giờ khuya mà quán này vẫn đông nghịt khách. Ngoài cửa, hàng chục chiếc taxi tấp bên lề đường để đưa đón khách. Tại quán nhậu này, trên bàn không hề có thực đơn, bảng báo giá. Hỏi nhân viên, anh này trả lời: “Anh đến chọn trực tiếp hải sản ở khu vực bếp, ở đó sẽ có người báo giá trực tiếp”. Tiếp cận khu vực trưng hàng hải sản của quán M.Đ luôn có một người phụ nữ báo giá cho du khách. Khi hỏi đến giá các loại hải sản, chúng tôi nhận thấy, đối với món ốc hương, giá bèo cũng là 350 nghìn đồng/kg, mực (đã chết) 280 nghìn đồng/kg… Giá món nào cũng cao, mà theo như một người bạn đi cùng, gần gấp đôi so với một số quán khác. Nhưng lỡ vào rồi, không lẽ lại đi ra, vì thế chúng tôi quyết định chọn lấy một món ăn khá bèo là mực lá nướng.

Trong khi chờ đợi món nhậu, chúng tôi đã làm quen với một thực khách ở bàn bên cạnh. Ngày 26-7, ông Nguyễn Khương (40 tuổi), cùng vợ, 2 con và hai người khác từ tỉnh Sóc Trăng đi máy bay đến Cam Ranh rồi tiếp tục đi taxi đến Nha Trang và lưu trú ở một khách sạn trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Là một người thành đạt trong lĩnh vực xây dựng, hàng năm, cứ vào dịp Hè, ông Khương lại cùng gia đình đến Nha Trang nghỉ dưỡng. Ông Khương chia sẻ: “Cảnh Nha Trang đẹp, nhưng đồ ăn thì giá cao quá”. Với 6 suất ăn, ông Khương nhẩm tính đã “ngốn” mất trên 1,5 triệu đồng, chưa kể thức uống. Ông Khương nói, đồ ăn ở đây khá ngon nhưng lại cao hơn ở quê ông từ 30 - 40%. Ông Nguyễn Khương cho biết thêm, ông cùng gia đình đến quán M.Đ là vì được taxi của hãng M.L đưa đến.

Vừa ăn chúng tôi vừa nghĩ: tại sao trong thành phố có rất nhiều quán nhậu hải sản nhưng cánh taxi có vẻ lại “kết” mỗi quán M.Đ? Sự “nhiệt tình” đáng ngờ của cánh taxi khiến chúng tôi nghi ngờ và quyết định phải tìm ra sự thật.

< Đã 22 giờ khuya, nhưng quán nhậu C.K trên đường Phạm Văn Đồng vẫn đông nghẹt khách.


Đến "nghệ thuật móc túi"

Tại khu vực đường Phạm Văn Đồng có đến trên dưới 30 nhà hàng, quán nhậu hải sản. Theo như quảng cáo thì tất cả đều là các hàng quán hải sản tươi sống. Mất khá nhiều thời gian tiếp cận với nhiều quán, chúng tôi cũng đã tìm ra câu trả lời. Q. - một nhân viên chạy bàn của quán C.K, đường Phạm Văn Đồng đến từ Đại học Nha Trang tiết lộ: “Bà ấy (chủ quán C.K) chi tiền cho taxi nên quán mới đông khách như vậy anh ạ. Mỗi chuyến taxi đưa khách đến, sau khi “ổn định” chỗ ngồi nhậu, cánh taxi sẽ được bà chủ chi tiền. Mỗi “đầu người” là 50 nghìn đồng, nếu taxi chở đến nhiều khách hơn thì số tiền so với “đầu khách” có thể giảm xuống”. Việc chi tiền cho cánh tài xế taxi cũng đã được bà A. thừa nhận. Bà A. gợi ý, nếu chúng tôi đi cùng đoàn đến nhậu ở quán C.K thì nên đi theo xe của đoàn và giá cả cũng sẽ “mềm” hơn. Ngoài ra, người dẫn đoàn khách đến quán này ăn nhậu cũng sẽ được chi tới 15% tổng hóa đơn thanh toán.

Việc chi đến vài chục nghìn đồng trên một “đầu khách” cho cánh taxi đã khiến một số hàng quán luôn đông nghịt khách, còn các hàng quán không chi cho cánh taxi thì luôn ế ẩm. Chính điều này đã tạo ra cuộc cạnh tranh không lành mạnh và đẩy giá thực phẩm, đặc biêt là hàng hải sản lên đến “tận mây xanh”, khiến các thực khách chỉ biết bấm bụng kêu trời. Q. cho rằng: Khách đi taxi đến quán C.K luôn bị “chém” đẹp. Đặc biệt là những khách VIP. Ví dụ, họ yêu cầu làm một con tôm hùm, bình thường thì bán giá 1,4 triệu đồng/kg (là quán đã có lãi khoảng 200 nghìn đồng), nhưng hiện nay bà chủ quán C.K đã “đẩy” giá lên đến 1,7 triệu đồng/kg.

Ngoài ra, nhiều hàng tôm, cua, ghẹ sống cũng đôi khi bị nhà bếp tráo hàng. Khách chọn từ những con tôm, cua, ghẹ tươi sống, “bơi” trong bể nhưng khi nhà hàng mang lên bàn nhậu lại là một sản phẩm hoàn toàn khác. Bên cạnh đó, việc cân, đong, đo, đếm của các hàng quán này thực sự “có vấn đề”.

< Tuy có nhiều món ăn ngon, địa bàn đẹp, nhưng đến 18 giờ một ngày giữa tuần, quán nhậu hải sản O.X trên đường Phạm Văn Đồng vẫn đìu hiu.

Bà D. một chủ quán cho chúng tôi biết: “Có lần quán M.Đ vì hết hàng nên chạy sang quán tôi “mượn” một con tôm hùm nặng 1,2kg để bán cho thực khách. Ngày hôm sau, khi tôi sang lấy thì họ trả một con tôm hùm và đưa lên cân để xác định trọng lượng sao cho tương xứng. Họ cân bằng cân của họ con tôm hùm này nặng đến 1,5kg nhưng chủ quán M.Đ vẫn vui vẻ và nói: “Em cứ mang về đi”. Mang con tôm hùm về quán, bà D. cân lại thì thấy con tôm này chỉ có 1,2kg!

Quán nào cũng có bảo kê?

Khác với quán M.Đ mở cửa đón khách từ buổi trưa, quán C.K chỉ mở cửa vào buổi chiều tối đến 1 - 2 giờ sáng ngày hôm sau nhưng mỗi ngày có doanh thu đến vài chục triệu đồng. Q. cho chúng tôi biết: “Bà ấy (bà A. chủ quán C.K) cho em biết, trong hai ngày giữa tuần vừa qua, bà có doanh thu trên 140 triệu đồng. Còn quán M.Đ thì doanh thu cao hơn nhiều”. Để quán hoạt động được bình thường, quán C.K có một người tên H. đứng ra “bảo kê”.

Hè năm nay, theo gót bà H. là một đám đàn em có “số má” vào làm việc cho quán C.K. Tuy nhiên, kể từ có đám đàn em của H. xuất hiện khiến nhân viên của quán này bị o ép và mất đi một phần thu nhập vì không có “tiền bo” của khách VIP. “Ngày trước bọn em làm ăn thoải mái lắm, nhưng nay hễ có khách giống VIP là chúng nó (đàn em của bà H.) nhận chạy bàn trước”. Được bà H. “bảo kê”, cánh đàn em của bà H. ngày càng “lộng hành”, Q. thổ lộ vẻ bực tức. Không chịu được cảnh bị chèn ép, cuối tuần qua, Q. tập hợp anh em lại và đánh nhau với cánh đàn em bảo kê của bà H. một trận tơi tả!

< Chỉ với 6 người ăn, trong đó có 2 trẻ nhỏ, nhưng ông Nguyễn Khương ở Sóc Trăng đã phải móc túi hơn 1,5 triệu đồng. 

Đó là chuyện “hậu trường” của các quán nhậu. Đằng sau sự ăn nên làm ra của một số quán hải sản có những điều mà du khách không thể biết được. Kiểu sống “cộng sinh” giữa chủ quán và cánh tài xế taxi, xe ôm, xích lô… đã khiến nhiều du khách bất đắc dĩ trở thành “con mồi” để các quán này tha hồ “chặt chém”! Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu “Nha Trang - điểm đến văn minh, thân thiện” khi nhiều du khách… một đi không trở lại! Chúng tôi được biết, du khách còn bị “chặt chém” khi đi mua đồ lưu niệm, các món đặc sản và một số dịch vụ khác…

Theo ông Nguyễn Minh Sô - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh: Nếu các hàng quán bán hàng không đúng giá niêm yết thì cơ quan chức năng có thể can thiệp và xử phạt. Nhưng thực tế việc thực hiện là rất khó, vì vậy, khi thanh toán hóa đơn, nếu khách hàng nhận thấy bị đẩy giá lên quá cao có thể báo cho cơ quan chức năng để có các biện pháp xử lý. Vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh có phối hợp với một số ban ngành để kiểm tra 500 cân ở chợ Đầm, chợ Xóm Mới và chợ Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) nhưng đối với các nhà hàng thì chưa làm được.

Về trường hợp các nhà hàng, quán ăn chi tiền cho taxi, theo ông Nguyễn Minh Sô, Chi cục không can thiệp được vì “hiện nay cái gì người ta cũng chi “hoa hồng””, rất khó giải quyết!

(Còn tiếp)

Du lịch, GO! - Theo báo Khánh Hoà

Những chiêu chặt chém du khách có một không hai
Để không bị “chặt, chém” khi hành hương
Lễ hội chùa Hương: Đấu thầu càng nóng, "chặt chém ...
Hãy học cách làm du lịch của Campuchia

Những ngôi đình cổ trong lòng Huế xưa

Đình làng ở Huế trong điều kiện cụ thể về tự nhiên và xã hội, đã có những sáng tạo để thích nghi với môi trường mà nó đang tồn tại.

Trong một chừng mực nào đó khi những người dân Việt, mở mang bờ cõi về phương Nam đã thổi vào đây một đời sống văn hóa tinh thần. Ngoài những công trình kiến trúc mang dáng dấp cung đình, thì Huế vẫn còn đó những Đình làng mang đầy đủ dấu ấn tâm linh mà người xưa để lại.

Từ lâu, do sự dịch chuyển của cơ chế làng sang tổ chức cơ chế đô thị đã làm cho nhiều ngôi Đình, một một dấu ấn đặc trưng của làng mất dần đi tính chất quan trọng. Sinh hoạt văn hóa cộng đồng có tính truyền thống ở các ngôi Đình vì vậy mà cũng bị mờ nhạt dần theo năm tháng. Do đó, việc cúng tế theo qui tắc chuẩn của người xưa cũng mang tính giản lược. Tuy nhiên, những ngôi Đình xưa đang còn tồn tại trong lòng cố đô vẫn là niềm tự hào của dân tộc Việt trong hành trình Nam tiến.
.
Khi nhìn qua tổng thể Đình làng của xứ Huế, rất dễ dàng nhận ra, bởi bản thân kiến trúc của những ngôi Đình này đều gặp nhau trong một dáng vẻ chung và tạo nên một phong cách Đình làng xứ Huế. Không kể đến các ngôi Đình thuộc các làng, xã nằm xa đô thị.

Chúng tôi  đã có dịp viếng thăm các “Đình làng trong phố” như: Đình làng Phú Xuân, Đình làng Kim Long, Đình làng An Cựu, Đình làng Lại Thế... và ở đây chúng tôi được chiêm ngưỡng về một loại hình kiến trúc cổ của Huế xưa.

Những ngôi Đình của Huế với tư cách là một bộ mặt đại diện cho văn hóa của làng, được xây dựng ở ngay đầu làng như một người chủ hiếu khách niềm nở chào đón những ai đến thăm. Đến gần với mỗi ngôi Đình có thể nhận rõ được giới hạn trong một khuôn viên cụ thể: cửa đình được xây bằng những trụ gạch vuông vức vươn cao, có bổ ô trang trí.

Qua cửa vào sân đình, cũng như nhiều kiến trúc cổ của Huế, Đình làng cũng xây một bức bình phong, buộc ta phải đi vòng sang hai bên, nếu muốn tiến sâu vào bên trong sân Đình. Bức bình phong trước hết theo quan niệm “phong thủy” là để che chắn những gì không tốt, không hay, tạo sự kín đáo cho công trình phía trong, đồng thời là một diện rộng để vẽ trang trí những hình có tính chúc tụng dân làng. Sân Đình thường có lối đi rộng ở giữa dẫn vào tòa Đại đình, còn vùng đất trống hai bên thường được dùng để trồng cây lưu niên (Đình làng Phú Xuân hiện vẫn giữ gìn được nguyên trang phong cách này).

Đa số những ngôi Đình trong lòng cố đô đều được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với lối kiến trúc khá đơn giản:  Không có các dãy Tả vu, Hữu vu ở hai bên sân, không có tòa Tiền tế ở phía trước và Hậu cung ở phía sau (Những ngôi Đình làng ở ngoài Bắc đa phần đều có những mảng kiến trúc này).

Đình làng của Huế chỉ có duy nhất tòa Đại đình mặt bằng chữ nhật. Theo Thủ từ Lê Xuân Trai năm nay 72 tuổi, người kế tiếp bố mình để trông giữ Đình làng Kim Long, nơi hiện đang thờ các họ tộc như: Mai Khắc, Mai Công, Trương Đình, Nguyễn Văn, Trần Hữu, Trần văn... thì có lẽ do trước đây, khi ngôi Đình còn sống đầy đủ đời sống xã hội của nó, việc ăn uống và tế lễ linh đình cũng như việc linh thiêng hóa Thành hoàng làng không nặng như ở ngoài Bắc.

Theo các nhà nghiên cứu, Đình làng ở Huế thường có ba gian và hai chái, ở hai đầu không có tường bao, luôn mở với bên ngoài. Những Đình lớn như Đình Lại Thế thì hai chái kéo dài, mở rộng thành những chái kép, tạo cho lòng Đình như năm gian hai chái. Phía hiên trước Đình thường có mái đua vươn ra một khoảng rộng do một hệ thống cột đỡ, nên từ trước về sau Đình có số hàng cột lẻ, thường là bảy. Các “vài” nối với nhau tạo thành nối liên kết ngang, gồm thượng lương và hoành tử.

Thượng lương trong kiến trúc Đình làng Huế, giống như nhiều kiến trúc khác ở đây, gồm hai lớp trên và dưới song song với nhau gọi là trùng lương (tức thượng lương kép), thường có đắp khung rộng ở khoảng giãn cách. Các xà thượng ở đầu cột cái, xà trung ở đầu cột quân và xà hạ ở đầu cột hiên đều được gọi là cái xuyên. Song song với các xà (ở trên đầu cột), do kèo (hoặc kẻ ở phần mái đua) đỡ, là các hoành tử.

Những Đình làng ở Huế, hiện trạng và kiến trúc đều thuộc phong cách cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Song các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, đó là niên đại tu bổ hơn là khởi dựng. Chẳng hạn kiến trúc Đình Kim Long còn ghi rõ: “Khải Định, Canh Thân đại tu bổ” cho biết lần sửa Đình qui mô lớn (như làm lại hoàn toàn) là vào năm Canh Thân đời Khải Đinh, tức năm 1920.

Còn ở Đình Lại Thế, mặt bụng chiếc xà nối đầu hai cột quân ngoài của gian giữa ghi lại đầy đủ các mốc làm và tu sửa. Những dòng chữ cho biết vào giờ Dậu (17 giờ đến 19 giờ) ngày mồng 6 tháng 10 năm Tân Dậu, niên hiệu Vĩnh Hựu (tức năm 1741 - thật ra năm này đã là năm thứ 2 đời Cảnh Hưng rồi, có lẽ do Huế thuộc Đàng Trong nhận được tin muộn hay lúc đầu chưa chịu thừa nhận Cảnh Hưng nên vẫn giữ niên hiệu Vĩnh Hựu) đặt thượng lương (tức cất nóc khi làm Đình). Giờ Tỵ (9 giờ đến 11 giờ) ngày 11 tháng Tư năm Canh Tý niên hiệu Cảnh Hưng 41 (tức năm 1780) lại đặt thượng lương (tức làm lại hoàn toàn). đến giờ Giáp Thìn ngày Nhâm Thân 15 tháng Một năm Ất Tỵ niên hiệu Thiệu Trị (tức năm 1845) làm lại Đình. Và lần sửa đình qui mô sau cùng đặt thượng lương vào khắc Kỷ Hợi ngày Tân Mùi mồng Tám tháng Năm năm Tân Mão, niên hiệu Thành Thái 2 (tức năm 1891).

Đình làng là một nơi thiêng liêng, nhưng thân mật với tất cả những người dân. Đây còn là một sợi dây tinh thần nối chặt con người lại với nhau. Ông Nguyễn Tri Kha năm nay 84 tuổi, hiện đang là Thủ từ Đình làng Phú Xuân cho biết, ông mới nhận chức Thủ từ này 2 năm nay (mỗi nhiệm kỳ 6 năm), với ông công việc Thủ từ như là một sự tri ân mà ông đền đáp với tổ tiên, và vừa qua ông đã tự bỏ ra 1100 USD để sửa chữa lại khoảng sân của ngôi Đình.

Ông Kha cho biết: Đình làng Phú Xuân hiện đang thờ 7 dòng họ gồm: Hồ, Lê, Nguyễn, Huỳnh, Trương, Trần, Phạm. Và Đình làng cũng đã được Bộ văn hóa công nhận là di tích lịch sử năm 1994. Hiện nay, cứ vào ngày mồng 6 tháng 6 âm lịch làng đều tổ chức tế Đình và cũng như ngày xưa tế Tam sanh (trâu, dê, heo) là nét văn hóa được những người dân coi trọng và gìn giữ.

Hiện nay, những Đình làng đang được các Nhà quản lý văn hóa từng bước trả về với “nhiệm vụ chính” của nó. Thủ từ Lê Xuân Trai cho biết, năm 2007 chợ Kim Long sau một thời gian dài “chểm chệ” nơi sân đình được di dời và Đình làng Kim Long đã được trả về với chức năng nguyên thủy. Ông kể: Cách đây vài năm, có người muốn sử dụng Đình làng Kim Long để làm nhà kho, ông Trai tâm sự điều này với Nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Ông An đã nói với người Thủ từ già rằng: “Nếu ai bảo mở cửa thì anh đừng mở, nếu họ phá khóa thì kệ họ”. Tuy nhiên, sau đó những người này đã không dám phá bỏ một nơi mang đầy đủ gia trị văn hóa tinh thần của dân làng Kim Long.

Đình làng ở Huế trong điều kiện cụ thể về tự nhiên và xã hội, đã có những sáng tạo để thích nghi với môi trường mà nó đang tồn tại. Trong một chừng mực nào đó khi những người dân Việt, mở mang bờ cõi về phương Nam đã thổi vào đây một đời sống văn hóa tinh thần. Ngoài những công trình kiến trúc mang dáng dấp cung đình, thì Huế vẫn còn đó những Đình làng mang đầy đủ dấu ấn tâm linh mà người xưa để lại.

Du lịch, GO! - Theo  Vietnamnet, ảnh internet

Nhớ về chuyện phượt

Thời gian đẩy đưa, thấm thoát từ ngày bọn mình đi chuyến Phan Rang đến giờ cũng đã hai tháng. Hơn sáu mươi ngày ở nhà lại nhớ hình bóng của thiên nhiên, của biển và núi rừng - lại ngóng chờ cơ hội cho chuyến kế tiếp.

Việc nhà lu bu, sinh kế mà - ai cũng vướng chuyện cơm áo gạo tiền, không làm thì lấy gì ăn - đóng cửa đi chơi hoài không khéo sập tiệm, chả còn khách nữa thì khốn! Mà hổm rày vào mùa nên mưa khá nhiều nên có đi cũng phải tính toán kỹ lưỡng: phượt dăm ngày nhưng dính ngay cái thời tiết đỏng đảnh, gió bảo ì ầm thì ruột gan tan nát hết, phí công phí của lắm.

Mấy hôm nay bà xã cũng thay đổi dự tính tùm lum nên cũng chưa nhất quyết nơi nào sẽ đến trong chuyến sau - Lúc thì nghĩ đến biển Suối Ồ, biển Bình Châu - lúc lại nghĩ về Cẩm Mỹ Cẩm Đường. Toan đi tính lại thấy Madagui cũng hay hay... nên rút cuộc cũng chưa có phương án cuối cùng.

Chả sao cả, mình cho bà xã tha hồ chọn lựa đến lúc có một vài địa danh rồi chốt lại sẽ tính toán cung đường đi. Dẫu gì bọn mình cũng là những kẻ du phượt cực kỳ tự do mà, cứ tính rồi bung - không ai có thể kìm hãm cái sự đi lại của bọn mình ngoại trừ Thượng đế cứ cho mưa bão ầm ầm suốt tuần (cái này thì pó tay!).

Ham mê đi mọi nơi, ham thích du phượt chắc không chỉ vợ chồng bọn mình. Ước gì đến ngày nào đó không còn phải buôn phải bán gì nữa... tức là lúc về hưu, ước thêm hai điều nữa là có rủng rỉnh tiền, có râm rang sức khỏe... thì chừng đó có lẽ bọn mình nhắm đến những chuyến dài hơi - ví dụ như xuyên Việt, Tây Bắc...
Chẹp chẹp, nghĩ mà phát mê hoặc trong lòng!

Nhưng đó là chuyện mơ, chuyện xa. Còn chuyện hiện tại thì vẫn cứ phải tính phải toan. Liệu trời có nắng tốt không? Liệu sắp có mưa bão dài ngày tiếp? Đi đâu, núi rừng hay biển cả? Chẹp, hạ hồi phân giải vậy - Có lẽ chuyến này sẽ đến sau một hai tuần nữa thôi. Và dĩ nhiên trước chuyến đi mình sẽ có lộ trình để báo trước cùng các bạn.

Cái "tông" bọn mình thì như các bạn đã biết: thích cảnh đẹp nhưng còn hoang sơ chứ không phải cái đẹp do nhân tạo. Thích nhấm nháp những món lạ nhưng không khoái chuyện chặt chém...
Có lẽ nhiều bạn cho là đi du lịch như vậy thì hơi buồn nhưng thà vậy còn hơn là những bãi biển nhun nhúc người, những trận cãi vã ình xèo do cái giá trên trời, mất hứng cả một chuyến đi. Mà cảnh đẹp nhân tạo thì thành phố cũng có nhiều: như Suối Tiên, Đầm Sen, Bửu Long... nhưng bọn mình không khoái tí nào.

Xem ra... phượt bụi có vẻ cũng kén khách nhỉ!

Điền Gia Dũng

Những nét văn hóa đặc sắc ở Tả Van Giáy, Lào Cai

Làng Tả Van Giáy thuộc xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Làng ở dưới chân núi, gồm 110 hộ dân với 550 nhân khẩu. Nằm trong địa phận của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, làng Tả Van Giáy là nơi hội tụ tinh hoa của đất trời. Đến đây, du khách sẽ có dịp được tìm hiểu thêm về phong cách, lối sống cũng như những nét văn hóa đặc sắc của người Giáy.

Từ thị trấn Sa Pa, xuôi theo con đường mòn uốn lượn trên lưng chừng núi khoảng 10km, du khách sẽ đến xã Tả Van. Con đường đất vào thôn Tả Van Giáy nhỏ, hẹp, hai bên là màu xanh ngắt của những thửa ruộng bậc thang màu mỡ ngô và lúa non. Thấp thoáng trong làn sương mỏng một chiếc cầu treo bắc qua suối Mường Hoa - đường vào thôn Tả Van Giáy, với hai bên đầu cầu là những bụi lau, sậy, những vạt hoa đỗ quyên... đung đưa trong gió. Ngay đầu cầu treo là ngôi miếu thờ 3 gian - nơi người Giáy tổ chức lễ hội “Nào Cống".
.
Tả Van Giáy là cách gọi ngày nay, còn người dân địa phương ở Lào Cai và dân tộc Giáy ở Lai Châu cũng chỉ quen gọi “Mướng Và”, tên gọi này bị gọi chệch từ “Mướng Vá” theo âm của tiếng Tày, có nghĩa là “Sải tay”. Tương truyền, làng này ngày xưa chỉ có người Tày sinh sống nên mới có tên gọi như vậy. Trung tâm của làng còn có một mỏm đồi được người dân gọi là “Pỏm mò dà táy” (nghĩa là đồi mộ bà Tày).

Đến Tả Van Giáy, du khách không chỉ đắm mình giữa khung cảnh thiên nhiên với tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim rừng đang gọi bạn tìm nhau... mà còn được khám phá vẻ đẹp bình dị, mộc mạc của ngôi làng.

Làng Mướng Vá dựa lưng vào núi, trước mặt là con suối Mường Hoa. Thế của làng dựa lưng vào hướng Tây nhìn sang Đông, các nhà quay mặt về hướng Đông Bắc, bởi hướng chính Đông vừa là núi đá cao sừng sững, hướng Nam có dòng suối chảy xuôi. Theo quan niệm về phong thủy của người Giáy, hướng nhà về núi đá và xuôi theo dòng nước là không tốt…

Làng Mướng Vá tính từ khi người Giáy ở có lịch sử trên dưới 300 năm. Dòng họ đến sớm nhất theo người già trong làng nói là họ Sần, tiếp đó là họ Vàng, họ Lù và các họ tiếp theo. Họ cư trú quần tụ với hàng trăm nóc nhà và thành từng làng, bản, mường ở chân đồi núi, những thung lũng ven sông, ven suối. Xung quanh là dân tộc Mông cùng sinh sống nhưng người Giáy vẫn giữ được nguyên vẹn vốn văn hóa truyền thống của trong phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội.

Mùa cưới của người Giáy là tháng mười âm lịch của năm trước đến tháng hai âm lịch của năm sau (từ tháng 3 - 7 không bao giờ được tổ chức đám cưới; tháng 8, 9 có thể cưới được). Đám cưới có nhiều bước cầu kỳ như xem mặt, xem nhà; thả mai mối (cha mẹ người con trai có thể hỏi con trai mình về người con gái); thách cưới (chủ yếu: thách rượu thịt để mời khách trong ngày cưới, làm vốn cho người con gái). Lễ “đoạn lời” được tổ chức ăn ở cả hai bên. Lúc này đôi trai gái được công nhận là con của hai gia đình, coi như đã thành vợ chồng. Sau ba năm tính từ lễ này nếu nhà trai không đón được dâu thì hai bên tự do đi với người khác, nếu chưa đủ ba năm mà “phá rào” thì sẽ bị phạt. Lễ cưới tổ chức ở hai gia đình. Đoàn đón, đưa dâu phải quàng 2 băng vải đỏ chéo nhau. Khi đám cưới kết thúc, đoàn nhà gái ra về được đánh dấu bằng phẩm đỏ vào má, cùng với những “quả đấm” của nhà trai để đừng bao giờ “quên” nhà trai.

Người Giáy quan niệm khi trong nhà có người chết, con cháu tiến hành rửa thi thể bằng lá bưởi, lá chanh cùng với chậu nước ấm, rồi thay quần áo mới cho người quá cố. Thi hài người chết đặt ở gian giữa nhà, trên thi hài phủ lớp vải trắng, mặt phủ giấy vàng, miệng ngậm đá (lấy từ đá mài dao) và những miếng bạc cắt ra từ đồng bạc trắng. Có bao nhiêu con đẻ, cháu nội thì ngậm bấy nhiêu viên đá, miếng bạc. Điều này có ý nghĩa là để người chết khi gặp con cháu sẽ không mở miệng vì hồn ma người quá cố hỏi ai thì người đó sẽ bị ốm đau. Khi đã đưa thi hài ra nằm ở giữa nhà các con cháu mặc áo trái, đi chân đất, để đầu trần và phải ăn chay, nằm đất ngồi xổm đến khi đưa người quá cố đi chôn. Đặc biệt trong tang ma của người Giáy có Mo lễ tang gồm có 80 bài của 13 tiết mo, nội dung chủ yếu nhằm răn dạy con cháu về đạo làm người…

Trong tôn giáo, tín ngưỡng của người Giáy, quan trọng nhất là thờ cúng tổ tiên và cúng thần. Thờ cúng tổ tiên là thờ các dòng họ Vàng, Lù, Lò, Lý… mà không phải thờ người cụ thể. Bàn thờ được đặt gian giữa nhà, lưu giữ nguyên vẹn cấu trúc cổ xưa, cả độ tuổi của gỗ và tai ngăn kéo làm từ đồng. Ngoài thờ tổ tiên, người Giáy thờ thiên thần (chứ không thờ không thờ nhân thần), trong đó có hai loại thần là “ Thú tỷ” - thổ địa, “Srú pướng” và “Đong xía” - Thần rừng.

Trong một năm, ở Tả Van Giáy có nhiều lễ Tết như: Tết tháng Giêng “Đươn xiêng”; Tết tháng 7; Tết mồng 3/3, 4/4; Rằm tháng 5; Rằm tháng 8; Tháng 9 ăn cơm mới; Tháng 10 làm bánh dày kết thúc mùa vụ; Tháng 11 đón Tết Đông chí và đặc biệt nhất là Lễ hội Xuống đồng “Roóng poọc” tổ chức vào ngày Thìn tháng Giêng.

Trong tháng Tết, từ mồng 10 tháng Giêng trở đi chính quyền bàn với người già về ngày xuống đồng, sau khi thống nhất ngày, người ta cử một người già đứng ra chủ trì, rồi họp dân đóng góp để mua một con lợn, 1 đôi gà, 5 cân gạo nếp, 5 lít rượu, 1 cân cá tươi, 5 quả trứng, hương vàng… làm đồ cúng tế, trả thù lao cho thầy mo. Mức đóng góp chia đều cho các hộ gia đình. Tại một cánh đồng trước làng, người ta đặt bàn thờ cúng thần làng chung, còn lại các gia đình đều có mâm cúng riêng. Mâm cúng của gia đình chủ yếu là bánh trái, thịt gà hay cá, trứng. Người ta đặt cột nêu có vòng nhật nguyệt với hình âm dương. Khi xong lễ các cụ bà ném còn tượng trưng, sau đó là người đi lễ hội ném còn sao cho thủng vào vòng nguyệt, tiếp là hạ nêu, trao thưởng người ném chúng, kéo co là kết thúc lễ hội.

Văn nghệ dân gian ở làng Tả Van Giáy rất phong phú và đa dạng gồm nhiều truyện cổ tích; Câu đố và tục ngữ có nhiều bài về đố vui, đố cây cỏ, vật dụng trong gia đình, các hiện tượng thiên nhiên… hay những câu tục ngữ để răn dạy con trẻ, đối đáp trao đổi những việc hệ trọng và cũng là tiêu chí ứng xử trong xã hội…
Ngoài ra còn hơn 10 bài dân ca đám cưới, trên 300 bài hát giao duyên và 15 bài trong tiệc rượu…

Trong bữa ăn hàng ngày của người Giáy thường có món xào và món canh. Khi có khách thì thêm món luộc, rán.

Ngày lễ Tết có thịt quay, thịt nướng, chả và không thể thiếu món Khẩu nhục. Đồ uống của người Giáy trong lễ Tết chỉ có rượu; nước uống hàng ngày có nước cơm, nước chè, rau hoặc nước đun sôi có khi cả nước lã. Đến tả Van Giáy, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc sản của đồng bào dân tộc do chính tay họ chế biến như: cá suối nướng Mường Hum, thắng cố thịt ngựa Mường Khương, thịt lợn cắp nách Bắc Hà, xôi nếp ngũ sắc Văn Bàn... được hòa mình trong không khí lễ hội, các trò chơi dân gian của người Giáy như lễ Nào Cống, Roóng Poọc (xuống đồng), ném còn, đánh yến... và cùng tham gia các tour du lịch bản làng.

Trang phục và trang sức người Giáy khá đơn giản. Nam mặc quần lá tọa màu đen hoặc trắng, áo ngắn màu đen là chủ yếu, có màu trắng nhưng không có màu khác, cài khuy lệch sang trái, đầu đội khăn vải bông nhuộm nước chàm không thấm tạo thành những chấm trắng như sao với các hình vuông, chữ nhật, tam giác, quả chám, hình cây, lá… Nữ cũng mặc quần như nam giới, nhưng là vải đen, mềm như vải láng, lụa, sa tanh. Tuy nhiên cạp quần nữ có thể dùng vải màu, như màu đỏ và khâu luồn dây thắt, còn nam chỉ vắt chéo và dùng thắt lưng, áo nữ màu đen, đủ các loại màu nhưng lại không có màu trắng, cài khuy vải hoặc khuy bạc ở nách bên phải. Cổ đứng 3 cm, ở vạt cài khuy, viền tay áo có chắp vải khác nhau. Trang phục của phụ nữ còn có thêm nắm sợi len màu đỏ độn tóc (bằng sợi bông tự nhuộm).

Hiện nay, ở Tả Van Giáy có 24 gia đình được ngành an ninh và du lịch tỉnh Lào Cai cấp giấy phép được đón khách du lịch khi họ muốn dừng chân hay nghỉ qua đêm. Du khách tới Tả Van Giáy phần lớn từ châu Âu như Thuỵ Điển, Pháp, Na Uy hay từ châu Mỹ, châu Úc và nhiều nước ở châu Á.

Du lịch, GO! - Theo Báo Thái Nguyên, internet

Hấp dẫn đảo Hòn Mấu

Ai đến Hòn Mấu không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hoang sơ của nó. Cách đất liền khoảng 90 km, Hòn Mấu là một trong 21 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Mất hơn 3 giờ tàu cao tốc, du khách sẽ đặt chân lên Củ Tron, còn gọi là Hòn Lớn vì là đảo lớn nhất của quần đảo này. Từ đây, có một chiếc ghe biển chuyên vận chuyển khách sang Hòn Ngang mất khoảng 30-45 phút. Rồi du khách có thể thuê một ghe nhỏ đi tham quan Hòn Mấu.

Hòn Mấu rộng khoảng 200ha với hơn 120 hộ dân nằm liền nhau vắt ngang qua phần thấp nhất của đảo. Hầu hết người dân trên đảo này đều làm nghề biển. Đảo nhỏ nên vừa đặt chân lên tới đây, người dân trên đảo từ người già đến trẻ em đều biết bạn là người khác đến đảo này. Cư dân ở đây rất thân thiện. Bởi thế, bạn đừng ngạc nhiên khi ai đó đến hỏi thăm bạn từ đâu đến, làm nghề gì và gia đình có bao nhiêu người.

Vào giờ tan học, học trò đang tung tăng bỗng nghiêm trang giơ tay chào khi thấy người khách lạ trên đảo. Bạn đừng ngạc nhiên, sự thân thiện của người dân xứ đảo là thế!

Tạo hóa có vẻ “thiên vị” khi ban phát cho đảo Hòn Mấu những bãi biển tuyệt đẹp. Trong đó, có hai bãi cát trắng mịn là Bãi Chướng và Bãi Nam, còn lại ba bãi đá là Bãi Bắc, Đá Đen và Đá Trắng.

Bãi Nam là mặt tiền của đảo hầu như yên ắng quanh năm, nên tàu bè đến giao thương đều dừng lại ở mặt này. Thú vị nhất là được đắm mình trong lòng nước mát lành ở Bãi Chướng. Bãi trông như một hồ nước khổng lồ bao bọc xung quanh là những hàng dừa xanh mát.

Bãi cát chạy dài, nước có màu xanh lam trong vắt. Ra xa hàng chục mét vẫn còn thấy đáy. Bãi Đá Đen có nhiều loại đá đẹp. Đá ở bãi này muôn hình vạn trạng, nhiều màu sắc. Khi mặt trời soi xuống, đá dưới biển lấp lánh nhiều màu sắc long lanh. Có những viên đá mang hình hoa văn rất lạ. Vân đá ngoằn ngoèo xanh, đỏ như vân cẩm thạch.

Từ bãi Đá Đen đi bộ chừng 15 phút là đến bãi Đá Trắng. Toàn bãi chỉ duy nhất một màu trắng của đá. Những viên đá nhỏ bằng ngón tay đến bằng bàn tay nằm dọc theo bãi biển. Bãi này hầu như không có cát, chỉ có đá trắng. Ai đến hai bãi này cũng cầm về vài viên đá cuội như một món quà của biển khơi.

Theo Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản Việt Nam, các đảo ở quần đảo Nam Du cấu tạo gồm hai hệ tầng. Riêng hệ tầng đá thuộc hệ nguồn núi lửa fetsic gồm tufryolit và ryolit. Tại các vách đá lớn nhô ra biển, du khách dễ hình dung được hiện tượng phun trào của nham thạch khi hình thành những hòn đảo này.

Đá không phải là những phiến có bề mặt nhẵn mà chúng trông rất sần sùi, cuồn cuộn như dòng dung nham cuộn chảy của núi lửa. Mỗi ghềnh đá mang một nét riêng, tạo những hình thù kì lạ giữa biển cả.

Đêm ở lại Hòn Mấu mới cảm nhận được hơi thở của biển. Khi ồn ào, khi lại lặng im. Sau 11 giờ đêm, máy phát điện ngưng hoạt động, đời sống trên đảo trở về với thiên nhiên hoang sơ vốn có.

Cùng người dân địa phương thư thái bên tách trà hay nhâm nhi li rượu đế với con cá, con ốc bắt lên từ vùng biển này, du khách được nghe kể những câu chuyện ly kì của quần đảo Nam Du, của Hòn Mấu. Dấu tích một thời của hải tặc, dấu tích của vua Gia Long chạy loạn rồi đến những người đầu tiên khai khẩn hoang đảo, lập ấp... hình thành một cộng đồng dân cư như ngày nay. Những câu chuyện cách đây hàng thế kỉ nghe như mới diễn ra hôm nào. Đến Hòn Mấu, bạn sẽ có một chuyến đi đúng với ý nghĩa khám phá.

Du lịch, GO! - Theo Baomoi, ảnh sưu tầm

Ma Thiên Lãnh: Cao nguyên thơ mộng giữa đồng bằng

Từ chân núi, men theo con đường nhựa trải dài uốn lượn trên một sườn đồi thơ mộng một bên là núi và một bên là cheo leo vực thẳm, văng vẳng bên tai đâu đó là tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng suối róc rách giữa đại ngàn bao la cùng một bầu không khí trong lành đến tuyệt vời.

Sapa hay cao nguyên Đà Lạt chăng? Không! Đấy chỉ là buổi hoàng hôn của một Ma Thiên Lãnh hoang sơ nằm ẩn mình ở độ cao trên 50m giữa đồng bằng rộng lớn. Nằm cách thị xã Tây Ninh chưa đầy 30 phút ôtô, được che mình bởi núi Lớn (hay còn gọi là núi Bà), núi Phụng và núi Heo, Ma Thiên Lãnh hiện ra như một quần thể địa danh được kiến tạo bởi hang Ông Hổ, suối vàng, hầm đá...

Bắt đầu từ chân núi vào, ngồi trên xe bạn có thể thưởng ngoạn khung cảnh tuyệt vời như của Đà Lạt bởi hai bên là sườn đồi và thung lũng. Dừng xe ở cuối con đường, du khách men theo những bậc đá quanh co cạnh con suối vàng thơ mộng để bước tiếp lên hang Ông Hổ.
.
Mặc dù có nhiều truyền thuyết tương truyền về sự ra đời của chiếc hang này nhưng là gì đi nữa, nơi đây cũng ghi nhận sự thành kính của nhiều người dân địa phương tin vào một đức tin thần bí.

Từ trên cao nhìn xuống, du khách có thể dễ dàng nhận ra ngay cây đại thụ bồ đề đang mọc lên từ trên những phiến đá to nhẵn nhụi, Cách đấy không xa, trong một ngày gần đây, đường dây cáp treo sẽ được đưa vào hoạt động, góp phần đưa du khách chinh phục đỉnh Bà Đen mà không cần tốn sức.
Từ trên đỉnh cao nhất của ngọn núi cao nhất đồng bằng, chúng ta có thể phóng tầm mắt quan sát khắp các vùng lận cận. Băng qua hố Bảy Ngày sâu hun hút và khi đã vượt qua những con dốc dựng đứng, cùng rừng tre già, một làn hơi nước mát lạnh từ trong các hốc đá sẽ làm chúng ta cảm thấy sảng khoái vô cùng, lên cao đến đỉnh là những sương là đà trông thật huyền ảo và lãng mạn cứ như một Sapa vậy.
Buổi chiều đến, nếu như những ai vẫn còn quyến luyến vẻ hoang sơ và tĩnh lặng của nơi này, xin chớ có vội quay về mà hãy nghỉ lại ban đêm ở những dãy nhà trọ cao cấp được dựng lên trong quần thể Ma Thiên Lãnh.

Còn gì bằng nếu bạn tận tay bắt từng con ốc núi để rồi trổ tài đầu bếp của mình. Trở lại con đường vào chân núi, một khu vực trường bắn hiện đại và tầm cỡ sẽ được mở ra để giúp chúng ta tha hồ giải trí với trò săn bắn.
Con đường hình vòng cung cũng sẽ giúp du khách dễ dàng qua phía bên kia cửa núi, tiếp tục cuộc hành trình chinh phục từ chân núi phía đông lên đỉnh Điện Bà và quần thể chùa, am, điện.

Ma Thiên Lãnh là thế đấy, bằng những ưu đãi mà thiên nhiên đã ban tặng từ điều kiện khí hậu đến sinh thái, chính quyền và người dân Tây Ninh đang bắt nhịp đầu tư, quyết biến nơi đây thành một khu du lịch có sức hút riêng và mạnh mẽ, góp phần nâng cao chất lượng và sản phẩm ngành du lịch.

Du lịch, GO! - Theo TayninhTour

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Những chiêu chặt chém du khách có một không hai

Du lịch, GO!: Mình đăng trọn bài viết này trích từ báo Vietnamnet. Chuyện "chặt chém" ở các nơi du lịch cứ nói mãi mà không hết. Lỗi tại ai, tại người hay tại ta? Nhưng cho dù tại ai cũng xin các địa phương gắng sửa đổi, xin du khách cương quyết hơn trong việc nói "không" với cái giá vô lý, xin báo chí phản ảnh nhiều thêm nhưng không quá phiến diện... kẻo chính tất cả chúng ta đang giết dần nền du lịch còn khá non kém của VN dù đất nước ta có trên 3000km bờ biển, lại rất đẹp...

- Sau khi chuyện khu du lịch Sầm Sơn (Thanh Hóa) bị lên án và tẩy chay vì lối phục vụ “chặt chém” quá quắt khiến du khách bức xúc tột độ, rất nhiều người đi du lịch đã chia sẻ những câu chuyện bị “chặt chém”, “hành hạ” khó tin của mình ở các địa điểm du lịch khắp mọi miền đất nước.
Nhức nhối nhất: Đồ ăn, khách sạn
.
Một thành viên trên diễn đàn tttvnol chia sẻ câu chuyện đi Sầm Sơn (Thanh Hóa) của mình như sau: “Tôi mua dừa tươi, đã mặc cả rất kỹ. Họ nói 100.000 đồng/quả, tôi mặc cả xuống còn 30.000 đồng/quả và họ đồng ý bán. Khi thanh toán tiền cho 2 quả dừa, họ nói 130.000 đồng khiến tôi tưởng họ nhầm, Nhưng không phải, vì họ nói tôi mới mặc cả cho quả thứ nhất, quả thứ hai chưa đả động gì đến. Tôi hoảng quá, không mua nữa thì họ chửi đến phát ngại, mà mua thì ấm ức không chịu nổi”.

Như thấy mình trong câu chuyện này, các thành viên khác cũng ào ào tuôn ra những chuyện bức xúc mình từng gặp phải.
Có du khách cho biết còn bị “thịt” ở Sầm Sơn theo cách rất chi là bất ngờ, như kiểu đánh úp khách: “Biết là khu này hay chặt chém, chúng tôi đã mặc cả rất kỹ giá của từng món ăn rồi ghi ra giấy, bắt chủ quán ký vào, sau đó mới ngồi xuống ghế.

Ăn uống xong đứng dậy thanh toán, cả hội gần chục người choáng nặng khi em nhân viên cho biết nhà hàng thu thêm 20.000 đồng tiền ghế ngồi/khách; 20.000 đồng tiền gia vị, chanh ớt cho cả nhóm; 100.000 đồng tiền phục vụ; 50.000 đồng tiền vệ sinh, dọn dẹp rác rưởi, vv… Chúng tôi đôi co một hồi thì họ bảo quy định ở đây là thế. Vì không muốn lằng nhằng, cãi nhau mất vui, chúng tôi đành ngậm ngùi thanh toán, trong lòng bức xúc khôn tả”.

Một khách du lịch đi Sầm Sơn bức xúc thuật lại: “Tôi đặt 2 triệu để chắc chắn là có phòng, với giá phòng toàn 500.000 đồng, cao gấp đôi giá ở Hà Nội. Đến sát ngày đi, khách sạn gọi điện hỏi đoàn chúng tôi ăn gì nhưng cả đoàn đã thống nhất sẽ ăn tự do, đến nơi thấy gì ngon, thích thì ăn. Chủ khách sạn cho biết quy định của là đã thuê phòng là phải ăn đồ ăn của khách sạn.
Thấy quy định quá vô lý, chúng tôi không đồng ý thì bà ấy cho biết sẽ không cho thuê nữa vì như thế là không tuân thủ quy định khách sạn. Cuối cùng vì đã quá sát ngày nên tất cả muối mặt chịu đựng, nếu không thì không còn chỗ mà ở”.

Từ các địa điểm du lịch nổi tiếng ở như Hạ Long, Cát Bà, Chùa Hương, Huế, Đà Lạt, Vũng Tàu đến các khu vực nổi tiếng “vừa vừa” trong cả nước đều từng khiến du khách hoảng hốt vì mức độ 'chặt chém', nhất là vào cao điểm mùa du lịch, và đặc biệt xảy ra nhiều ở các khu du lịch miền Bắc và miền Trung.
Một du khách từng đi Vũng Tàu khốn khổ kể lại: “Vợ chồng tôi đặt phòng trước rồi, 900.000 đồng/đêm. Cả hai hí hửng đến thì khách sạn thông báo không còn phòng vì có người gọi hủy phòng. Vợ chồng tôi cãi nhau với chủ khách sạn thì họ không những không giải thích mà đuổi ra luôn. Trời thì mưa, cả hai phải vật vờ đi tìm khách sạn, nhớ lại vẫn không thể nào chấp nhận nổi cách phục vụ như thế”.
Chưa kể sau đó, hai vợ chồng du khách này chỉ ăn “cơm bình dân” với các món bình thường như cơm trắng, tôm nhỏ (4 con), canh rau nhưng bị “móc ví” mất 800 ngàn!

Nhiều khách du lịch đi chơi cuối cùng mua thêm cái bực vào thân vì khách sạn quảng cáo là 3 sao, giá cũng 3 sao nhưng thực tế thì chất lượng chưa nổi 1 sao!

Tại Đà Lạt, có không ít người mếu máo cho biết mình mất hết cả tiền bạc, nữ trang, mỹ phẩm xịn chỉ vì gửi chìa khóa cho lễ tân.
Đến khi phát hiện thì không thể nào chứng minh được là khách sạn lấy, vì quy định của khách sạn là khách phải gửi các đồ có giá trị, mất là họ không chịu trách nhiệm!

Những “quái chiêu” khiến khách phát hoảng

Khốn đốn nhất là những dịch vụ 'quái chiêu' khiến du khách phát ốm. Trên các diễn đàn, nhiều người đọc những câu chuyện du khách bị “chăn” xong mà không thể nhịn nổi cười, đặc biệt là chuyện thuê ngựa để chụp ảnh, thuê ngựa để cưỡi thử ở Sầm Sơn, Thanh Hóa.

Một du khách thuật lại: “Tôi đưa con gái và vợ đi Sầm Sơn, con gái thấy ngựa đẹp nên cứ đòi xem. Y như rằng một thanh niên mời chào chụp ảnh, giá 20 ngàn đồng/bức. Thế là chụp xong 2 kiểu, tay thanh niên vỗ vào mông con ngựa khiến nó lồng lên làm vợ chồng tôi hốt hoảng.

Khi dừng lại nó đòi 120 ngàn cho 6 kiểu, vì trong lúc ngựa phi, nó đã chụp thêm 4 kiểu! Không trả là không xong với nó”.
Cũng liên quan đến con ngựa, có du khách cay đắng móc ví, muốn khóc mà không khóc được vì tức. Khi cả đoàn du lịch đi ra hòn Trống Mái chơi, một thanh niên ngỏ ý mời một phụ nữ trong đoàn cưỡi ngựa thử với giá 5 ngàn đồng. Hí hửng trèo lên và chạy một đoạn rồi xuống ngựa, cậu ta hét “500 ngàn” với lý do 5 ngàn tính cho 1 bước chân ngựa, còn chạy vài vòng như thế phải trên 100 bước, tính 500 ngàn là còn rẻ (!?) Cãi nhau một hồi, cuối cùng người phụ nữ vẫn phải ngậm đắng rút ví 300 ngàn đồng trả cho kẻ “ăn cướp” trắng trợn.

Chưa hết, hiện nay ở các khu du lịch cứ ra đến cửa là có “ma cô”, “cò mồi”. Vì thế, đã có không ít bậc phụ huynh khốn đốn vì chúng toàn lừa dắt trẻ con ra chỗ kín cho ăn kẹo, trong khi đó một kẻ khác sẽ chạy ra thông báo cho bố mẹ chúng biết là lũ trẻ đang ở đâu.
Sau đó, hai “kẻ cướp” đường hoàng “xin được bồi dưỡng”, ít nhất cũng phải 200 ngàn đồng!

Một địa danh du lịch nổi tiếng là Đà Lạt cũng không ít lần khiến du khách xanh mặt. Một thành viên trên webtretho từng đi du lịch ở đây kể lại: “Lúc cả nhà đi thăm thắng cảnh có một thợ ảnh cứ bám theo dỗ ngọt. Mới đầu đi chơi thì bảo cứ chụp rửa ra cái nào đẹp mới lấy tiền, sau đó thì cứ theo khách suốt cả ngày chụp ảnh các nơi cho tới khi khách về khách sạn.
Rồi hắn bảo cái nào đẹp sẽ phóng to cỡ của tờ giấy A4, tôi không đồng ý nhưng cứ làm. Tối đến khách sạn thông báo tiền chụp ảnh gần 4 triệu cho cả ngày đi chơi bao gồm cả ảnh nhỏ và ảnh to. Thật quá đáng hết mức”.

Anh Văn Hùng ở Hà Nội từng đi du lịch tại Sầm Sơn thuật lại câu chuyện khá bức xúc. Nhóm bạn 4 người của anh đi du lịch ở đây, biết là sẽ bị 'chặt chém' không thương tiếc nên đã mặc cả trước với mọi thứ. Đến ngày cuối, cả nhóm hý hửng vì mình quá kinh nghiệm, không bị 'chém' gì.

Để 'tổng kết' thành tích này, nhóm đã đi hát karaoke ở ngay gần bãi biển. Trước khi vào hát, chủ quán đòi 500 ngàn cho 1 giờ hát, nhóm mặc cả xuống được 200 nghìn 1/giờ. Sau khi hát xong 1 giờ, đến lúc thanh toán tiền, chủ quán đòi 800 nghìn đồng.
Cả nhóm ngớ người ra thanh minh là đã mặc cả từ đầu là 200 nghìn, nhưng chủ quán lúc này 'mặt lạnh như tiền' tuyên bố xanh rờn: 200 nghìn là 1 người, 800 nghìn là 4 người!

Còn tiếp > Bài 2: Đi du lịch ở Việt Nam: Bỏ tiền để bị hành xác

Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet------------

Điền Gia Dũng: Các sự việc kể trên rất có thể xẩy ra khi đi du lịch trong dịp lễ tết, cao điểm hè hoặc cuối tuần. Tuy nhiên không phải chổ nào cũng như vậy. Do đó: tựa đề của bài thứ 2 "Đi du lịch ở Việt Nam: Bỏ tiền để bị hành xác" theo mình thì không thể chấp nhận được. Đó là một cách luận tội theo kiểu "vơ đũa cả nắm" chứ không có tính cách góp ý xây dựng, nói theo cách này là "giết" du lịch Việt Nam mất rồi.
.
Có những nguyên nhân khiến ta thường thấy trên báo chí hay các diễn đàn phê phán nhất là tại các điểm nóng như Sầm Sơn, Vũng Tàu, Nha Trang... là do:
.
- Địa phương thiếu cương quyết trong việc kiểm tra, xử lý các khiếu nại của khách du lịch.
- Khách du lịch thường đi vào dịp lễ tết, cuối tuần... khiến những nơi này quá tải.
- Nhiều khách du lịch dễ dàng chấp nhận sự chặc chém mà không nhờ đến CA địa phương giải quyết.
- Sự nhận thức về tương lai của một số người làm du lịch, kinh doanh buôn bán tại nơi đó quá kém - Thiếu tầm nhìn xa, lại thích theo cung cách "ăn xổi ở thì".
Và nhiều nguyên nhân khác
.
Mình và bà xã đi rất nhiều nơi, du lịch theo dạng tự tổ chức (Nói nôm na theo giới trẻ ngày nay là "phượt" hay du lịch bụi) nhưng chuyện "chặt chém" chưa từng gặp ngoại trừ một vài trường hợp bị tính hơi mắc một tý, một tý thôi. Có những chuyến hai vợ chồng mình đi cả tuần tại Bình Tiên nhưng tổng chi phí từ tiền xe khách, tiền phòng, tiền ăn và tiêu vặt chưa hết 2 triệu rưỡi - Năm ngày ở xứ biển Tuy Hòa tốn kém tròn 2 triệu... v.v. 
.
Ít tốn kém, chưa từng phải trả những khoản tiền "trời ơi" như bài viết nêu trên thì đương nhiên đó là những chuyến đi tuyệt vời. Vậy nếu nhìn cảnh bị chặt chém theo bài viết "Chiêu chặt chém du khách có một không hai" thì có lẽ phiến diện quá vì tôi nghĩ có nơi này, nơi khác chứ.
.
Theo tôi nghĩ: cách để tránh gặp cảnh chặt chém giúp thay đổi cách nhìn về du lịch Việt Nam thì:
- Các địa phương có nhiều khách du lịch cần kiểm tra, quản lý và xử lý thích đáng những người kinh doanh theo kiểu "giết du lịch". Cần phổ biến số điện thoại nóng của công an phường ở mọi địa điểm kinh doanh (nhiều người không phải trả tiền giá trời ơi khi điện thoại gọi số 113). 
- Thiên nhiên mất hàng triệu năm để tạo ra một bải biển đẹp, người địa phương chỉ mất vài tháng để kinh doanh theo kiểu ăn xổi ở thì là xem như hàng trăm ngàn người khác sẽ gọi địa phương ấy kèm với câu "xứ chặt chém, cẩn thận" - chết cả danh!
- Tránh dịp lễ lạc, cuối tuần... nếu có thể. Nếu phải du lịch trong những lúc này thì cần chọn những nơi không quá náo nhiệt, những chốn ít người biết đến hơn (Nên nhớ là VN có trên 3000km bờ biển) . Thật khó có chuyện vui khi bãi biển đông kịt người - Du lịch thường do người ta muốn tránh xa cái ồn ào của phố thị tìm nơi xã stress, thư giãn... nhưng đầy người, dầy sự bức bối như trên thì du lịch làm gì nhỉ?
.
Một vài ý kiến nhỏ xin góp ý, mong rằng người ta đừng giết nền du lịch còn non kém của VN.
.
Du lịch, GO!

10 địa điểm chụp hình đẹp nhất quận 7

Nằm trong lòng Sàigòn và là một quận mới, Q7 chính là một phần của huyện Nhà Bè trước kia. Quận 7 nổi tiếng với khu chế xuất Tân Thuận, công viên giải trí Wonderland, và khu đô thị mới Nam Sài Gòn - Phú Mỹ Hưng.

Giao thông từ Q7 vào khu trung tâm thành phố rất thuận tiện với hàng loạt cầu lớn như cầu Kênh Tẻ, cầu Tân Thuận 1 và 2 - Nối với Q5 bằng cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chữ Y - nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm bằng cầu dây văng Phú Mỹ... Trục đường Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ Khu chế xuất Tân Thuận băng qua Phú Mỹ Hưng và kéo dài tới tận đường cao tốc Trung Lương.

Với nhiều mảnh xanh và những toà nhà cao tầng nối tiếp nhau, khu hồ bán nguyệt dưới ánh đèn đường, cầu Ánh Sao xuyên ngang bầu trời... đây là những "background" đẹp của quận 7 (TP.HCM), mang đến cho bạn những shoot hình ấn tượng giúp bạn có thể chụp nhiều tấm ảnh đẹp.
.
Khu kênh đào

Không chỉ mang vẻ sang trọng nhờ hai dãy nhà cao tầng với cửa hàng thời trang san sát, khu kênh đào này còn có vẻ hiền hòa, hấp dẫn nhờ những bụi cây xanh um, dòng nước uốn cong, hoa súng e ấp…
Hồ bán nguyệt và cầu Ánh Sao

Thời khắc giao nhau giữa ngày và đêm là lúc khu hồ bán nguyệt đẹp nhất với không gian được nhuộm vàng dưới ánh đèn đường.
Nhìn từ hồ bán nguyệt, cầu Ánh Sao mong manh như sợi chỉ, lúc xanh lúc hồng vắt ngang mặt nước. Điểm ngắm hồ bán nguyệt và cầu Ánh Sao đẹp nhất là giữa thân cầu Ánh Sao.
< Hồ bán nguyệt lung linh dưới ánh đèn.

Bờ sông Panorama

Bờ sông Panorama vừa mang nét sang trọng với những toà nhà chọc trời in bóng xuống dòng nước, vừa mộc mạc với những khối đá nhiều hình dáng, bụi dừa khẽ nghiêng theo làn gió.
Công viên Lawrensting

< Tràn ngập hoa cỏ.

Công viên này nằm phía sau tòa nhà Lawrensting. Cả khu vực được thiết kế đậm chất miền Tây với chiếc cầu nhỏ bắc ngang, hòn nam bộ, bụi trúc…
< Màu xanh thiên nhiên.

Điểm nhấn của tiểu cảnh là cụm hoa trang đỏ tươi nổi bật trên thảm xanh cây cỏ.

Khu đồi thấp

Khu đồi thấp nằm bên cạnh đường dẫn lên cầu Phú Mỹ hướng từ Q7 sang Q2. Ở đây có những ngọn đồi thấp xanh mượt, hồ nước soi bóng những cây cau, con đường trải nhựa rộng rãi nhưng không hề có bóng dáng của bất kỳ loại xe nào khiến bạn tha hồ tạo dáng.
< Trục đường chính.
Tại địa điểm này, bạn cũng có thể ghi lại cung đường dẫn lên cầu Phú Mỹ, hay đường cong mềm mại nhưng chắc chắn của nhịp cầu hướng về ngã tư Tân Thuận (Q7).

Cầu Phú Mỹ

Cầu Phú Mỹ mang vẻ đẹp lãng mạn và có tầm nhìn rộng hơn các cầu khác của thành phố. Khi Sài Gòn lên đèn, đứng trên cầu, bạn sẽ có cảm giác ngắm một "bình minh ngược với mặt trời mọc đằng Tây".
Khu Sky Garden


< Một trong những khu phố hiện đại.

Gồm 3 khu nối tiếp nhau là Sky Garden 1, 2, 3, các toà nhà cao tầng với thiết kế sang trọng nối tiếp nhau cho cảm giác như bạn đang dạo bước trên đường phố châu Âu. Nếu chú ý kỹ, bạn sẽ thấy rất nhiều phim, clip âm nhạc được ghi hình tại đây.


Cầu Ông Lớn

Mang màu đỏ nổi bật, cầu Ông Lớn mang nét hối hả của công việc cuộc sống nhưng lại nhã nhặn với những giây phút lắng đọng, tạo nên sắc thái tuyệt vời cho bức ảnh.
< Nhìn từ khu Trung Sơn.

Hàng cây đường Dương Bá Trạc vào khu Trung Sơn (Q8 - Bình Chánh)

Hai hàng cây trải dài suốt con đường không những xanh mát mà còn tạo background rất đẹp, giúp những bức ảnh mang nét cổ điển lãng mạn phương Tây.

Rừng dương ở đường số 2

Đường số 2 ôm gọn bờ sông phía dưới chân cầu Rạch Ông (mình nghĩ là cầu Him Lam) có một rừng dương trải dài.

Với màu đất đỏ dưới chân hàng dương xanh ngát, người ta dễ có cảm giác như đang được đứng tại một bờ biển nào đó.

Du lịch, GO! - Theo BĐVN, Dulichgo bổ xung.