Nhắc đến tên gọi Vĩnh Nghiêm, người dân TP.HCM đều nhớ đến ngôi chùa lớn toạ lạc tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, nhưng ít ai biết, chùa Vĩnh Nghiêm ở TP.HCM được xây dựng theo nguyên mẫu chùa Vĩnh Nghiêm ở Bắc Giang.
"Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”.
Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm - hay có tên gọi khác là chùa Đức La, thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, được xem là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là trường đào tạo tăng ni, Phật tử đầu tiên ở Việt Nam.
Ngôi chùa cổ Vĩnh Nghiêm nằm tại ngã ba sông Phượng Nhỡn, nơi gặp gỡ của 2 con sông lớn (sông Thương và sông Lục Nam), nơi phù sa hội tụ trước khi đổ ra biển. Từ chùa nhìn về bên kia sông, có thể trông rất rõ đền Kiếp Bạc - nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
.
Kề bên Kiếp Bạc là dãy Côn Sơn - nơi nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ lỗi lạc Nguyễn Trãi về mai danh ẩn tích. Xa hơn chút nữa là danh lam thắng tích Yên Tử - vùng đất thánh của thiền phái Trúc Lâm.
Du khách hành hương về Vĩnh Nghiêm sẽ được nghe sự tích vua Trần chọn đất xây chùa. Chuyện xưa kể, sau chiến thắng quân Nguyên Mông, vị vua anh hùng Trần Nhân Tông đã đi du ngoạn khắp nơi, ngắm nhìn giang sơn cẩm tú để chọn đất dựng chùa. Khi ngài tới nơi này, con ngựa chiến từng xông pha trận mạc cùng ngài bỗng lồng lên dẫm nát hoa màu. Dân làng kéo nhau đến xem và quỳ xuống lạy thì con ngựa dừng lại. Vua hỏi dân làng, được biết đây là vùng đất thiêng nên cho dựng ở đây một ngôi chùa lớn đặt tên là Vĩnh Nghiêm.
Vĩnh Nghiêm dần trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng dưới thời Trần, là nơi đào tạo tăng đồ. Vĩnh Nghiêm cũng là nơi tu hành của 3 nhân vật sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm gồm: vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa thiền sư Đồng Kiên Cương và Huyền Quang đại sư Lý Đạo Toái.
Chùa Vĩnh Nghiêm có kiến trúc bề thế, khuôn viên chùa rộng và đẹp gồm tam quan, tam bảo, nhà tổ đệ nhất, nhà tổ đệ nhị, gác chuông, khách đường, hành lang tả hữu, vườn tháp... được bố trí hài hoà theo bố cục kiến trúc ‘‘nội vương, ngoại quốc”.
Ngoài những giá trị kiến trúc nghệ thuật, chùa Vĩnh Nghiêm còn được xem như một bảo tàng văn hoá Phật giáo Đại thừa tiêu biểu ở miền Bắc Việt Nam. Chùa còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật quý như: hệ thống tượng thờ, đồ thờ, các bức phù điêu, chạm khắc, hệ thống văn bia, hoa văn trên kiến trúc...
Đặc biệt, chùa có kho mộc thư với những bộ ván in kinh như: Hoa Nghiêm sớ, Di Đà sớ, Yên Tử nhật trình, Bản Nguyện chân kinh, Tỳ Khâu Ni giới kinh, Thần Du phương ký… Tổng cộng, chùa còn giữ được 34 đầu sách với hơn 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt có 2 trang sách khắc ngược bằng chữ Hán. Đây là một trong những di sản văn hoá đặc biệt quý mà hiếm nơi nào trên đất nước ta còn lưu giữ được.
Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tấm bia đá cổ 6 mặt đặt trên bệ sen, thân bia cao 1,18m, mỗi mặt rộng 0,32m, 5 mặt được chạm trổ ‘‘lưỡng long chầu nguyệt”. Bia dựng năm Hoằng Định 1606, nội dung bia ghi lại việc trùng tu chùa năm đó.
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm diễn ra vào ngày 14 tháng 2 Âm lịch hàng năm, là một trong những lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc xưa và Bắc Giang nay. Hơn 700 năm đã trôi qua, với những giá trị văn hoá lớn lao, chốn tổ Vĩnh Nghiêm vẫn là đích đến của nhiều đoàn khách hành hương tìm về nguồn cội, về cái thiện, về sự thanh thản trong tâm hồn…
Du lịch, GO! - Theo báo Phụ Nữ, ản internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét