Đến Gia Lai trong những ngày xuân là đến với nắng gió, đến với màu rừng sắc núi vẫn còn nguyên sơ, tươi nồng, với những lễ hội đậm đà bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.
Huyện Chư Sê ở cách thành phố Pleiku, tỉnh lỵ của Gia Lai, khoảng 40km. Thác Phú Cường thuộc xã Dun của huyện Chư Sê, chảy trên nền nham thạch của một ngọn núi lửa đã tắt nguội từ hàng triệu năm trước. Cột nước của thác cao khoảng 45m. Mùa mưa, thác tràn rộng, giăng ngang tựa tấm màn bạc, mịt mù hơi nước. Mùa khô, nước thu gọn, đổ xuống óng mềm như dải lụa.
Nếu chọn hành trình này, bạn có thể liên hệ trước với các công ty du lịch để kết nối với người dân địa phương, đặt trước những chú voi. Cưỡi voi trên những triền dốc mênh mang, hoang dã của vùng rừng núi Chư Sê là một trải nghiệm thú vị.
.
Đây là hành trình hoàn toàn khác với cưỡi voi len lỏi qua những ngôi nhà sàn ở Buôn Đôn, Buôn Jun của đất Ban Mê, Đắk Lắk, hay cưỡi voi trên những ngọn đồi thoai thoải ở vùng Tuyền Lâm, Đarahoa của Đà Lạt. Để có thể đón du khách vào 9g sáng ở xã Dun, những chú voi sẽ phải đi bộ từ làng voi Nhơn Hòa lúc 3g sáng, qua những cánh rừng, những nẻo đường đất đỏ bazan.
Trên bành của con voi to lớn nhưng hiền lành, bạn sẽ mất khoảng mươi mười lăm phút đầu để làm quen với cảm giác nghiêng ngả, tròng trành. Vượt qua chút e ngại khi bị dốc ngược, lúc đổ xuôi, chắc chắn bạn sẽ rất thích thú. Ấn tượng nhất là khi đang đi trên mặt dốc nghiêng từ 15-45 độ, những “ông tượng” bỗng hứng chí quỳ chân, sục vòi xuống con lạch nhỏ ven đường để uống nước. Mặt đất chơi vơi, chấp chới xung quanh nhưng bạn hãy vững tâm, vì bốn chân voi luôn trụ vững vàng như bàn thạch.
Các anh nài cũng sẽ nhanh chóng vỗ về, nhắc nhở để chú voi mau đứng dậy cho thăng bằng. Voi đạp trên cây cỏ mà đi, tự khai phá con đường đầy ngẫu hứng chứ không hề theo lối mòn. Du khách ngất ngưởng trên lưng voi, thư thái ngắm cảnh. Đường vòng vèo men theo con suối, tiếng nước chảy rì rào, băng qua những khoảng ruộng bậc thang xanh mướt ôm lấy sườn đồi cong, băng qua những bụi cây, hoa, cỏ dại không biết tên. Khi đói bụng, những chú voi bỗng quơ vòi, ăn vội vài nhánh lá...
Đến đầu ngọn thác Phú Cường là điểm cuối của hành trình cưỡi voi. Xuống đất rồi, bạn vẫn còn cảm giác lâng lâng, lại phải mất thêm vài phút để lấy lại cân bằng. Đi bộ tiếp, vòng qua mặt đường lớn và theo lối xuống dốc gần như thẳng đứng; ở lưng chừng, sẽ có một mỏm đá dừng chân để bạn ngắm thác. Dòng chảy buông thẳng xuống ào ạt, mạnh mẽ. Hơi nước li ti phun thành quầng mây trắng. Trong ngày nắng, giữa vùng bụi nước sẽ lung linh bảy sắc cầu vồng.
Đứng từ dưới thác nhìn lên, dải thác như chiếc khăn lụa trắng, nổi bật trên nền trời xanh biếc với một vùng hoa lá cỏ cây vây quanh. Dưới chân thác là bãi đá magma có màu đỏ đậm đặc trưng. Đây là loại đá hình thành từ lòng núi lửa, ngổn ngang chất chồng lên nhau với đủ cỡ, rất kỳ thú.
Nếu vẫn còn thời gian, bạn có thể xuôi dòng đi tiếp đến hồ thủy điện Ayun Hạ. Hồ rộng 37km² chứa 253 triệu m³ nước, là nơi cung cấp nguồn thủy sản lớn cho khu vực Ayun Hạ và TP. Pleiku. Đến đây vào lúc sáng sớm, bạn có thể xem được cảnh đánh bắt cá tấp nập. Nơi này có nhiều loài cá đặc sản của vùng, đặc biệt là cá lăng. Tại đây cũng có những đội tàu, thuyền phục vụ khách du lịch tham quan, dã ngoại, ngắm cảnh.
Du lịch, GO! - Theo báo Gia Lai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét