Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Hồn đất Thanh Hà

Nhớ hồi năm 2009, trong lễ hội “Hành trình di sản lần thứ IV”, TP. Hội An đã chọn sản phẩm ống đèn đường của làng gốm Thanh Hà để trang trí khắp nơi. Hình ảnh đó góp phần tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của đô thị cổ và thương hiệu làng gốm Thanh Hà, vốn nổi tiếng từ hơn 500 năm trước.

Đến phố cổ Hội An, hỏi làng gốm Thanh Hà, ai cũng biết. Ngôi làng nhỏ bé nằm ở phường Thanh Hà, cách khu phố cổ chừng 3km về phía tây. Xét lịch sử tồn tại hơn 500 năm của vùng đất Quảng Nam, Thanh Hà là làng nghề cổ nhất còn đến bây giờ.

Trong cái nắng hanh hao vàng nhạt đầu tháng Tư, ấn tượng đầu tiên khi tôi vừa đặt chân đến làng là nét cổ kính và thanh bình. Từ con đường làng quanh co, những mảnh vườn xanh um đến những bức tường gạch cũ, những mái ngói rêu phong.
.
Hồn quê Việt xưa như vẫn quyện trong những nếp nhà mộc mạc. Dù nhiều địa phương đã hiện đại hóa nghề gốm với lò điện, với dây chuyền tiên tiến, người Thanh Hà vẫn làm gốm theo đúng kiểu truyền thống với chiếc bàn xoay và đôi tay khéo léo.

Cả làng hiện có khoảng hai chục hộ sản xuất gốm với trên 100 nhân khẩu, đa phần sống với nghề gốm từ rất lâu đời. Họ kể rằng, vào thế kỷ XIV - XVII, những người thợ thủ công từ Thanh Hóa vào Thanh Hà lập làng, mang theo nghề gốm và truyền lại cho con cháu đến ngày nay. Dưới triều Nguyễn, những người thợ gốm Thanh Hà đã nức tiếng tài hoa. Chính họ đã cung cấp những sản phẩm như ngói lợp, gạch lát nền, đồ gia dụng cho các ngôi nhà cổ Hội An và những khu vực lân cận.
Nhưng giai đoạn hoàng kim ấy rồi cũng qua, thời kinh tế thị trường, gốm Thanh Hà gặp nhiều khó khăn khi không đọ sức kịp những sản phẩm theo công nghệ mới, không tìm được đầu ra. Một số hộ đã bỏ nghề, vào Nam tìm kế sinh nhai. Mãi đến những năm gần đây, khi gốm Thanh Hà trở thành một phần trong các tour khám phá, trải nghiệm của du khách tới Hội An, các lò gốm mới đỏ lửa trở lại.

Tôi lang thang trên đường làng quanh co, rộng chỉ chừng sải tay, ghé nhìn những sân phơi gốm, tò mò như một đứa trẻ, sờ tay vào những sản phẩm gốm đang phơi mình trong nắng. Những chiếc siêu thuốc Bắc, những cái nồi kho cá, những cái trã đất ủ than… đơn sơ, mộc mạc, gợi nhớ về một nông thôn xưa cũ.

Lần theo con đường quanh làng, tôi ghé thăm nhà trưng bày gốm của nghệ nhân “lão làng” Lê Thị Chiến (80 tuổi) - người được Ban tổ chức festival gốm sứ Việt Nam - Bình Dương 2010 trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng gốm Thanh Hà”.

Bà Chiến vào nghề từ thời con gái, đến nay đã hơn 65 năm tuổi nghề. Thợ trong làng hiện nay hầu hết là học trò của bà. Trong khuôn viên rộng 200m2, khu trưng bày khá khang trang với phong phú chủng loại gốm. Nhiều nhất là các loại tò he với đủ 12 con giáp, bùng binh (heo đất), kế đến là những bình hoa, bình rượu, ấm trà, chén, bát, nồi niêu, chum, vại, chậu kiểng, đèn gốm…

Theo bà Chiến, tất cả sản phẩm trên được làm từ nguyên liệu đất sét, lấy từ mỏ đất, mỏ cát do phù sa sông Thu Bồn tạo nên. Người trong làng phải lên các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc mua về với giá vài trăm ngàn đồng một ghe. Để làm ra sản phẩm đạt chất lượng cũng lắm công phu, nhiều vất vả, đòi hỏi người thợ sự cần mẫn và óc thẩm mỹ. Trước khi tạo ra sản phẩm, đất sét phải đập nhỏ, sau đó đất được rưới nước vừa phải rồi trùm ủ để giữ độ ẩm. Ngày hôm sau, đất được trộn với cát mịn nhào nhuyễn. Thợ gốm sẽ đánh cho đất thật dẻo rồi mới nặn.

Sau khi nặn thành sản phẩm, phải đem phơi nắng một ngày, rồi đem vào trong bóng mát làm nguội để trang trí hoa văn, họa tiết, cuối cùng mới đưa vào lò nung với nhiệt độ khoảng hơn 1.000oC trong vòng 24 giờ. Khi chín tới, gốm sẽ có những màu đặc trưng như vàng đỏ, đỏ hồng, gạch nâu, đen tuyền. Gốm Thanh Hà có độ bền cao và láng chẳng khác gì tráng men. Sản phẩm lại nhẹ, khi ta gõ vào thành gốm, những âm thanh rất trong, êm ái vang lên.

Khách du lịch đến Thanh Hà thường say mê ngắm các nghệ nhân xoay, nắn, tạo hình gốm với những thao tác kỹ thuật nhuần nhuyễn, đẹp mắt. Đôi bàn tay đen gầy của bà Chiến lấm lem đất sét, vê nhịp nhàng, thoăn thoắt biến khối đất sét vuông thành chiếc bình, rồi chẳng mấy chốc miệng bình loe ra điệu đàng. Sau đó, bà cầm cái nẹp tre dẹt, chà ép cho trơn láng đế bình. Chỉ trong vòng 5 phút, bà đã hoàn thành chiếc bình hoa đẹp mắt chỉ bằng đôi tay khéo léo.

Rời làng Thanh Hà ra về, du khách nào cũng nâng niu trên tay vài sản phẩm gốm tươi màu đất, hồn đất. Không cầu kỳ, chẳng trau chuốt, gốm Thanh Hà cũng hồn hậu và chân chất như tấm lòng người Quảng.

Du lịch, GO! - Theo PNCN, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét