Thời nhà Nguyễn, các cung tần mỹ nữ đã biết dùng loại mỹ phẩm để trang điểm cho bản thân nhằm cuốn hút bậc vua chúa. Và đến nay bí quyết làm đẹp đó vẫn được lưu truyền.
Mỹ phẩm cho làn da cung phi
Vùng đất Thừa Thiên lắm nắng nhiều mưa xưa kia là kinh đô của nhà Nguyễn.
Bên trong những lâu đài, thành quách uy nghiêm, phía sau chốn nội cung, những bậc mẫu nghi, các quý bà, quý cô, các cung tần mỹ nữ vẫn có nhu cầu làm đẹp để cuốn hút những bậc vua chúa. Trước đây, việc làm đẹp của cung tần mỹ nữ trong Hoàng cung cực kì công phu và kĩ lưỡng. Không có hóa phẩm hóa học can thiệp, do đó những sản phẩm mà nữ giới dùng để làm đẹp hoàn toàn từ thiên nhiên.
.
Theo lời cô Trần Thị Ái Thu (SN 1963) tại số nhà 34 Tô Hiến Thành, thành phố Huế, chủ nhân của cửa hiệu phấn nụ bà Tùng nổi tiếng xứ Huế thì người đầu tiên nắm giữ bí quyết làm phấn nụ trong cung đình Huế chính là người mà cô Thu gọi là bà ngoại. Những bí quyết làm đẹp, những công thức pha chế để tạo nên các sản phẩm làm đẹp cho quý bà, chính người thị nữ này đã tập hợp lại để sản xuất hàng loạt với tên gọi của một dòng sản phẩm: Phấn nụ.
Gọi là phấn nụ vì viên phấn dưỡng da có hình như nụ hoa màu trắng, hồng cánh sen, hồng đào... từng màu lại có độ đậm nhạt khác nhau cho tương thích với từng loại da.
Nụ phấn thành phẩm mát lạnh, thơm nhẹ và xinh xắn. Phấn nụ xưa chỉ có màu trắng tinh khi thoa lên da người phụ nữ sẽ có gương mặt của các nàng geisha của Nhật Bản. Dòng phấn dưỡng da còn có phấn nước dùng về đêm, khi dùng lắc đều cho bột phấn hòa cùng nước thuốc thành một dung dịch sền sệt, đắp lên mặt có tác dụng như một lớp mặt nạ bùn khoáng.
Công phu như vậy nên việc làm đẹp cho những quý bà ngày xưa rất cầu kì. Đổi lại, hiếm có ai có được những làn da trắng muốt và thơm thảo như vậy. Tương truyền, bà Từ Cung, mẹ của vua Bảo Đại - cả đời dùng phấn nụ, thọ đến 104 tuổi nhưng làn da không một vết nâu hay đốm đồi mồi nào xuất hiện.
Tiếp chuyện tôi trong căn nhà cổ lẩn khuất dưới những tán lá, cô Thu cho biết: “Phấn nụ có công dụng dưỡng da mặt mịn màng, trắng da, trị mụn và tàn nhang, giải độc tố, giúp giảm viêm, hạn chế quá trình lão hóa, ổn định bề mặt biểu bì, hài hòa màu da tự nhiên”. Ngay cả người phụ nữ đang ngồi tiếp chuyện với tôi, dù con cái đã lớn, sống trong môi trường hiện đại với đủ những chất độc, khói bụi có thể làm ảnh hưởng da mặt nhưng làn da của bà vẫn ánh lên sắc tươi và căng mát.
Chỉ làm từ nước mưa Huế
Lạ cho thiên nhiên xứ Huế với những cơn mưa thối trời thối đất, những ngày nắng gắt gỏng cháy đầu. Nhưng rồi chính trời đất này lại là môi trường lý tưởng và tốt nhất để sản xuất ra loại phấn nụ nức danh.
Theo cô Thu, làm phấn nụ rất công phu và trải qua tới 9 công đoạn, tỉ mỉ từ đầu đến cuối. Chỉ riêng việc hứng nước mưa đã khó, nước mưa phải là nước mưa Huế, phải là nước tinh khiết, không lấy từ mái tôn, không hứng nước mưa lần đầu tiên.
Mùa mưa, người phụ nữ chắt chiu từng giọt nước sạch, gạn lọc kĩ rồi cất trong chum, vại để đến mùa nắng thì mang ra sản xuất phấn nụ. Chính hai người chị gái của cô Thu là bà Tùng và bà Phương đang định cư ở Mỹ và TP HCM đã từng có ý định sản xuất phấn nụ ở địa phương khác, thế nhưng do không đảm bảo yêu cầu về nguồn nước nên hằng năm các bà vẫn phải về Huế sản xuất phấn rồi mang tới những nơi trên để bán.
Nguyên liệu chính để làm phấn là thạch cao và phải là loại thạch cao tốt nhất, trắng mịn không có tạp chất. Để có từng loại phấn phù hợp cho việc trang điểm, cô Thu thường chọn trên 10 vị thuốc Bắc, những vị thuốc này được giấu kín không cho ai biết.
Trước tiên, cao lanh được nướng chín trên lửa than không khói cho đến khi trở thành trắng tuyết. Chờ nguội cao lanh được nạo thành bột rồi hòa với nước mưa trong rồi khuấy kĩ. Mỗi sáng chỗ nước cặn được gạn bỏ, phần bột còn lại được quấy rồi lọc qua hai ba lớp vải sa nõn chồng lên nhau để bỏ đi phần cặn thô...
Đủ 8 ngày, chỗ bột còn lại nhẹ tênh và mịn như nhung. Lần gạn cuối cùng, người ta đặt nhiều lớp giấy thấm hay giấy bản trên khay bạc, phủ lên trên cùng một lớp vải để thấm nước rồi lấy thìa múc bột đổ thành nụ hình xoắn ốc lên vải. Khi nước đã kiệt, phấn được đưa vào phơi ở những chỗ thoáng mát, sau đó được cất vào các hộp kín để ướp cùng hương hoa nhài, hoa bưởi hoặc hoa sứ trắng hái lúc mờ sáng.
Mất khoảng mươi ngày để ướp hương hoa, nụ phấn sẽ thơm ngát. Phấn nụ hồng có thêm phẩm màu chiết từ dịch cánh sen hoặc cánh hoa hồng đỏ chưng kín hơi.
Để làm ra một mẻ phấn nụ phải mất rất nhiều thời gian như gạn lắng, ủ nắng, phơi sương, ướp hương. Khi nặn phấn lại càng kiên trì hơn, mạnh tay một chút là hỏng, không thể thành nụ như tên gọi.
Trừ những công đoạn phơi, nặn, toàn bộ những khâu pha chế phụ gia, liều lượng đều được thực hiện trong phòng kín.
Sản phẩm khi làm ra, được các quý bà ngày xưa sử dụng như một sản phẩm làm đẹp nhanh và nhiều công dụng nhất. Không những vậy, phấn nụ từ ngày xưa còn được dùng như một phương thuốc phát hiện các bệnh như cảm, cúm, chuyển người...rất hữu hiệu. Chỉ cần đánh phấn vào người, sau một đêm nếu da bị nổi mốc lên tức là người đã nhuốm bệnh, nếu da láng, trơn tức là người đó khỏe.
Du lịch, GO! - Theo Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét