Sau khi cây cầu Tam Giang (thường gọi là cầu Ca Cút) nối hai bờ phá Tam Giang (xã Hương Phong và Hải Dương, huyện Hương Trà, Thừa Thiên - Huế) được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2010, đã đánh thức tiềm năng du lịch của khu vực đầm phá Tam Giang.
Từ trung tâm TP Huế đi theo quốc lộ 49 về hướng Thuận An, đến cầu Diên Trường (xã Phú Tân, huyện Phú Vang) rẽ trái, đi thêm chừng 5 km nữa là đến Cồn Tè. Cồn Tè nằm cuối xã Hương Phong, nhìn ra cửa Thuận An. Tại đây, vào mùa hè, ngồi trên những căn nhà chồ bốn bề lộng gió, thưởng thức các món cá tươi rói mới bắt lên từ phá Tam Giang, mọi cảm giác mệt mỏi chừng như tan biến.
“ Cà Tam Giang là cá vua ăn”, người Thừa Thiên – Huế thường nói thế để chỉ cái ngon của tôm cá nơi đầm phá quê mình. Giờ đây nhiều sản vật của Tam Giang được bên ngoài cho là đặc sản và thu mua với giá khá cao.
Dường như để cân đối thị trường, để cung đều món ngon vốn có của phá cho người ăn, mỗi vùng phá lại nuôi những loại cá khác nhau. Thêm vào với hồng, mú, vẩu, ngư dân ở xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) còn nuôi thêm các loại cá tho, nâu; còn ở xã Vinh Hưng (huyện Phú Lộc) thì thêm các loại cá kình, dìa. Không để thiếu cua ngon Tam Giang, ngư dân các xã Quảng An, Quảng Thành (huyện Quảng Điền) đã nuôi chúng từ vài ba năm nay.
Cánh cửa thị trường, những vận hội làm ăn mở ra đã kích thích sự sáng tạo của vùng ngư dân lâu nay chỉ biết lầm lũi với cách làm ăn cố hữu từ ông cha truyền lại. Nắm được quy luật sinh sản của những loại cá nuôi trên phá, ngư dân một số làng chài đã dong ghe đánh bắt những luồng cá con vừa từ các cửa Thuận An, Vinh Hiền tản vào phá đem về nuôi ươm để chờ bán cho người nuôi.
Theo các ngư dân có kinh nghiệm, sở dĩ hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nuôi được nhiều loại cá ngon là do nguồn nước luôn được luân lưu, môi sinh trong sạch.
Mặt khác, đây cũng là vùng duy nhất trong phá Tam Giang còn lại loài rong hẹ (còn gọi rong cỏ kiệu) là thức ăn số một và cũng là nơi sinh cư lý tưởng của các loài cá con như cá mú, cá hồng, cá dìa, cá kình và cá nâu.
Báo cáo khoa học về đa dạng sinh học các loài cỏ biển thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai của Viện Hải dương học Hải Phòng đã được Hội đồng khoa học Sở Khoa học - Công nghệ Thừa Thiên - Huế nghiệm thu năm 2005, cho biết: “Cây rong hẹ còn có tên là rong cỏ kiệu, một loài cỏ biển quý trong thảm thực vật hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai. Loài rong này khi sinh trưởng sẽ tạo nên một thảm thực vật hệ đáy của vùng đầm phá và trở thành nơi sinh cư lý tưởng cho các loài cá con, trong đó có các loài cá mú, cá hồng, cá nâu...”.
Đầm phá Tam Giang – Cầu Hai có đến 163 loài cá, bao gồm cả cá nước lợ lẫn cá có nguồn gốc biển (sống ở gần vùng cửa biển), cá nước ngọt (sống ở gần các cửa sông), và cá di cư (theo mùa). Các loại cá ngon nổi tiếng của Tam Giang như: cá dầy, cá đối, cá dìa, cá hanh, cá bống, cá vược, cá chình...
Người Huế thường gọi chúng là những “con cá thuốc bắc”, bởi thịt cá có chức năng như một liều thuốc an thần nhẹ, chống mất ngủ và giảm tress rất hiệu quả. Đặc biệt, các món cá kình, cá nâu, cá dìa hấp mồng tơi ở đây vẫn được lưu truyền là loại thuốc trị chứng mất ngủ hiệu quả.
Các loại cá trên cũng đặc biệt ngon, bổ khi được nấu cháo. Khi những hạt gạo đã bắt đầu nở búp trong nồi, nước cháo sôi sùng sục, những chú cá ong, cá dìa, cá nâu tươi nguyên còn giãy đành đạch, được tẩm qua gia vị thả ào vào soong. Hương thơm bốc lên ngào ngạt. Húp bát cháo cá tươi quyện trong vị cay nồng của hành hương, mồ hôi trong người toát ra, mọi độc tố tồn đọng trong cơ thể dường như được tống khứ. Toàn thân nhẹ hẫng một cảm giác sảng khoái lâng lâng...
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Thanhnien, SGTT và nhiều nguồn khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét