Cách ngã năm Kiến An trên dưới trăm mét, ngay giữa lòng phố thị, từ một ngã ba đường phố có một con đường lát bêtông dài hơn 2,5km, uốn lượn quanh co theo độ cao tăng dần, qua cổng Rồng (ở chân núi) và kết thúc nơi cổng Phượng (cổng vào đài thiên văn) - Ấy là con đường có thể đưa chúng ta... lên trời ngắm trăng sao!
^ Núi Thiên Văn Kiến An nhìn từ núi Đấu.
Bản đồ sao, ống kính tự động và bầu trời thiên văn lý tưởng
Vào một tối 18 âm lịch, trong lúc chờ trăng lên, anh Phạm Văn Mạnh, nhân viên kỹ thuật chịu trách nhiệm điều khiển kính thiên văn quan sát vũ trụ, mở cho các du khách xem các "bầu trời sao" từ chiếc màn hình vi tính nhỏ bé. Theo từng cái nhấp chuột, từng trang bản đồ sao thấy được theo từng vị trí địa lý xác định lần lượt hiện ra... Đó chính là phần mềm thiên văn học mang tên The Sky do Công ty phần mềm Bisque (Mỹ) sản xuất.
.
Xuất hiện từ năm 1983, The Sky đến nay với phiên bản thứ sáu, đã cập nhật mọi thông tin mới nhất về thiên văn học của thế giới. Được biết, phần mềm này có thể giúp người ta nhìn ngắm đến 480 triệu vì sao! Dĩ nhiên, ở mỗi một tọa độ địa lý chỉ có thể nhìn thấy một số "bầu trời sao" nhất định.
Cái hay của phần mềm này là nó được viết ra cho mọi người yêu thích khám phá vũ trụ chứ không phải dành riêng cho các nhà thiên văn, do đó nó giúp chúng ta khám phá những vùng trời sao đẹp nhất và được lập trình để người sử dụng có được kết quả dò tìm chính xác và nhanh chóng nhất theo từng vị trí địa lý xác định.
Và anh Mạnh đã biểu diễn cho mọi người xem cách điều khiển tự động ống kính thiên văn: anh chọn một trang bản đồ, ở đó mặt trăng nổi bật lên trên màn hình, anh thực hiện lệnh dò tìm mặt trăng, một dấu định vị hình chữ thập lập tức di chuyển, cùng lúc đó ống kính thiên văn FS.152 mà đài mới trang bị cũng tự động xoay chuyển hướng lên tìm trăng? Đến khi dấu định vị trùng vào hình mặt trăng trên bản đồ, thì ống kính cũng đã định xong hướng nhìn ngắm? chị Hằng Nga. Du khách chỉ cần ghé mắt vào xem? Và bằng cách ấy đã có một đoàn ở Hải Phòng với gần 100 học sinh cấp I, cấp II đã được nhìn ngắm trực tiếp mặt trăng và sao Mộc qua chiếc ống kính được xem là hiện đại nhất hiện nay (do Hãng Yakahashi của Nhật sản xuất).
< Cầu thang xoắn dần lên đài quan sát bầu trời. Nhưng hiện nay nhiều du khách phải đi xuống vì chưa thể quan sát được gì!
Thật ra, đã có không ít du khách đến đây và phải về không vì không thấy gì khác ngoài trời đêm. Muốn nhìn ngắm vũ trụ phải có một điều kiện cần - bầu trời thiên văn lý tưởng: trời đêm trong xanh, không có mây che, trăng sao và dải ngân hà hiện rõ trước mắt thường. Từ mồng 8 đến 16 âm lịch là tuần trăng đẹp nhất để thưởng thức bầu trời.
Từ đồi hóng gió đến công viên rừng Thiên Văn
Sáng và chiều tối, từng nhóm nam phụ lão ấu, lần lượt nối nhau chạy hoặc đi bộ lên núi xuống đồi để rèn luyện thân thể, đó là hình ảnh quen thuộc ở đồi Thiên Văn. Đặc biệt có thể nói, đây là một nơi hóng gió không chê vào đâu được, nhất là khi về đêm nhìn xuống Kiến An lấp lánh ánh đèn...
Hải Phòng đang có một tham vọng lớn: biến 115ha núi đồi rừng suối của các núi Đấu, Phù Liễn, Cựu Viên, đồi Yên Ngựa và thung lũng Tây Sơn của quận Kiến An thành một công viên rừng Thiên Văn - một khu du lịch thể thao, văn hóa, sinh thái, tham quan nghiên cứu khoa học và vui chơi giải trí. Và công trình tôn tạo nâng cấp đài Thiên Văn, chương trình du lịch quan sát vũ trụ cũng góp mặt trong các bước đi của dự án này.
Theo dự án mà UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt, công viên rừng Thiên Văn được tập trung xây dựng và hình thành năm vùng chức năng chính, bao gồm các khu biệt thự nghỉ dưỡng có chiều cao trung bình ba tầng nằm rải rác trên diện tích 16.200m2, khu vui chơi giải trí và nghiên cứu khoa học với các bể bơi, hồ nuôi cá sấu, bảo tồn lưu giữ sinh vật cảnh rộng 25.000m2; hai khu vui chơi trên cạn, du lịch sinh thái với các tuyến ôtô ray, tàu điện trên cao, khu leo núi, bắn cung, trò chơi điện tử, ôtô điện, đu quay trụ đứng, du thuyền, nhà cười, trượt patin; khu thung lũng Tây Sơn được qui hoạch hình thành khu vui chơi, giải trí với các trò chơi dưới nước...
Cũng trong công viên rừng Thiên Văn, du khách còn được thưởng thức bộ sưu tập thực vật nhiệt đới phong phú với hơn 200 loại cây leo, cây thân thảo, một bảo tàng nguồn gen thực vật đa dạng qua vườn thực vật trên núi. Quanh công viên rừng Thiên Văn còn được lưu giữ nhiều di tích văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian như đền thờ Chiêu Chinh công chúa, cổng Rồng, cổng Phượng, chùa Đại Giác, chùa Vĩnh Phúc, Lũng Tiên, Hồng Phúc... cùng nhiều truyền thuyết dân gian hấp dẫn có thể làm say lòng du khách.
Nhưng...
Có thể thấy ngay hiện nay các anh chị ở đài Thiên Văn chưa quen với việc tổ chức và kinh doanh tuyến du lịch quan sát vũ trụ này. Du khách không được thông tin đầy đủ về "bầu trời thiên văn lý tưởng", nên nhiều người đã đến và đã không thấy gì ngoài cái ống kính thiên văn!
Đài có một đài quan sát bầu trời được xây dựng trên tháp cao. Nhưng vì đài quan sát được xây dựng trước khi có kính thiên văn nên toàn bộ phần tường bao đã che khuất gần hết các vì sao phía chân trời. Mái vòm bằng kính cũng quá mờ vì không được lau bụi, cản trở tầm nhìn. Các thanh đỡ thì quá dày, khiến cho bầu trời và nhiều ngôi sao gần như bị chia cắt ra thành nhiều mảnh khi nhìn qua kính thiên văn vì bị các thanh đỡ này che khuất. Do đó, kính thiên văn phải "hạ thổ" xuống sân phía trước để phục vụ du khách. Máy móc thiết bị không đồng bộ: phần mềm rất hiện đại nhưng máy tính lại có tốc độ rất chậm, máy móc bảo quản trong phòng nhưng không có thiết bị bảo vệ như máy điều hòa, chống ẩm.
Nhưng nhìn vào sự nồng nhiệt của các anh chị ở đây dành cho... bầu trời và đối với du khách, chúng tôi tin rằng nơi này sớm muộn gì cũng sẽ trở thành một địa chỉ du lịch nổi bật của TP. Hải Phòng trở thành một địa chỉ quen thuộc của những ai đam mê khám phá vũ trụ.
Du lịch, GO! - Theo Tuổi trẻ, ảnh sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét