Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2011

Madagoui - Đạ Tẻh: hành trình tìm thác và đèo... (Phần 17)

Đường xuống xã B'Lá thả dốc trơn tru, xe chạy trớn êm ru ngọt như mía lùi. Vừa vào làng là bọn mình được linh đình chào đón bởi một gia đình Trâu: Trâu bố, trâu mẹ, trâu chị trâu em - hân hạnh quá chừng!

B'Lá cũng là một xã nghèo được thành lập theo nghị định 62/2000/NĐ-CP ngày 30/10/2000 của chính phủ trên cơ sở 7.424 ha diện tích tự nhiên và 3.302 nhân khẩu của xã Lộc Quảng - huyện Bảo Lâm. Phía Đông xã B'Lá giáp xã Lộc Phú và thị trấn Lộc Thắng, Tây giáp xã Lộc Bảo và xã Lộc Bắc, Nam giáp xã Lộc Quảng, Bắc giáp xã Lộc Bảo và xã Lộc Lâm. Nghị định trên thành lập cùng lúc với hai xã khác là Đạ Ròn (thuộc huyện Đơn Dương) và xã Tân Thành (thuộc huyện Đức Trọng).

Đây cũng là một xã vùng sâu, vùng xa có trên 80% là dân tộc thiểu số địa phương, phần còn lại cũng là đồng bào dân tộc ít người ở các tỉnh phía Bắc về đây định cư theo những làn sóng di dân tư do hồi năm 1986.


< Đường đi Bảo Lộc ngay ngã 3, cạnh trường này.

Hồi tháng 6 năm nay: thôn 1 xã B’Lá được Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm hỗ trợ một số phân bón hữu cơ vi sinh trị giá vài mươi triệu đồng - phần hổ trợ không nhiều nhưng phần nào cũng giúp bà con nông dân thuộc diện 30a tăng gia năng xuất cây trồng, giảm nghèo.


Không quên chuyện nhiên liệu, bọn mình lại tìm nơi đổ xăng, cây xăng là thế này: Một ống tròn bằng kiếng lớn phía trên có chia gạch theo số lít, phía dưới là ống kim loại cắm thẳng vào thùng nhiên liệu thông qua một cái bơm tay. Trông lại nhớ đến thời kỳ bao cấp hồi năm 1978... xếp hàng mua đầu hỏa.

- Xăng gì vậy chị, 92 hay 95? mình hỏi.
- Không biết nữa - chị bán hàng trả lời.
- Liệu đổ vô xe có chạy được không, bao nhiêu một lít vậy chị?
- Không biết xăng gì, thấy mọi người vẫn đổ, giá mỗi lít 24k.

< Đường liên xã về Bảo Lộc sẽ ngang qua khu du lịch Đam'bri, chùa Di Đà, Tu viện Bát Nhã...

Đương nhiên là phải cao hơn tý chút cho bà con có lời mới tiếp tục phục vụ "cung cấp nguồn năng lượng" cho mọi người vùng xa được, phải thông cảm. Vậy là mình đổ một lít, sẳng dịp hỏi luôn đường cho chắc ăn.
< Đường tráng nhựa và được nhuộm một màu đất đỏ...
< ... với hai bên toàn là thông, thẳng vút.
< Xem đường trên cái Ipad cùi bép đồ nhái.

Thật ra thì mình xem trên bản đồ hình ảnh nơi này đã... chụp trước chuyến đi. Bản đồ được cắt sẳn thành nhiều mảnh nhỏ tương ứng theo từng vùng. Máy có 3G thật nhưng túi tiền "nhẹ" nên ba gờ để ngắm chơi.
< Tuy nhiên những đường nhỏ này trên đó không có, không tường tận lắm nên ngắm lòi tròng ra - chả sao: đường trong miệng.
Gặp ngã 3, hỏi một cô gái đang chạy xe  thì được chỉ cứ theo đường "lớn".
< Đường "lớn" vẫn dẫn dài, quanh co...
< Có đoạn cũng có rãnh cống thoát nước đàng hoàng.
< Lại gặp tiếp một ngã 3, bà xã vào căn nhà xa xa kia hỏi - chủ nhà tròn xoe mắt nhìn mình như người trên cung trăng rớt xuống: Trời ơi, chị đi đâu, vùng này mà chị đi bộ à?
Rồi chỉ đường...
< Cùng lúc đó: hai anh thanh niên đi xe gắn máy bọn mình đã hỏi lúc ở cạnh trường học B'Lá chạy vụt ngang, la lớn: đi lối này nè!
Vậy là chạy theo...
< Leo dốc: lởm chởm đất đá đỏ, khá cao.
< Cuộc "truy tìm" Bảo Lộc" giống như SBC săn bắt cướp...
< Kia rồi: không phải đối tượng cần truy tìm mà là đồi trà, đẹp quá!

Chùa Di Đà hài hòa và đẹp như một bản nhạc rừng, tọa lạc trên một quả đồi rộng 13 ha thuộc địa phận buôn Đăng Đừng (thôn 6), xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Chùa do sư thầy Đồng Châu gầy dựng nhằm phục vụ việc tín ngưỡng cho người dân buôn Đăng Đừng (thôn 6 - xã Lộc Tân) do trước kia nơi này có 6 tháng mùa mưa, nước suối dâng ngập đường nên không thể ra tu viện Bát Nhã sinh hoạt Phật sự được.

< Một khoảng nữa là gặp rải rác những cây cờ Phật giáo cắm bên đường. Hai anh kia dừng lại hỏi: Đi đâu vậy?
Kha kha, do lúc hỏi thì mình tìm đường ra Bảo Lộc, giờ đổi ý muốn vào chùa. Ngã 3 này quẹo phải chính là chùa Di Đà - rẽ trái thì băng ngang khu du lịch Dam'bri, tu viện Bát Nhã...

Khởi đầu với diện tích khu vực chùa chỉ là 6 sào đất (tháng 5-2004) cho đến nay thì diện tích chùa đã trên chục mẫu với chánh điện - nơi thờ Phật, gác chuông, phòng khám bệnh v.v. Những nếp nhà tranh tre nứa lá, vườn tượng, vườn đá nghệ thuật mang trên mình những bức thư pháp với nét chữ bay bướm chuyên chở vị đạo, tình đời: Hiểu biết, Thương yêu, Hãy yêu thương và tha thứ, Phật tại tâm, Thanh tịnh… ẩn hiện hài hòa trong khung cảnh nên thơ của bạt ngàn hoa thơm bướm lượn.

< Lúc này đầu óc tự nhiên "ngu" đi, mình ngoặc tay lái rẽ trái, giờ về mới tiếc sao không ghé chùa Di Đà.

Trong khu vườn Lâm Tỳ Ni của chùa Di Đà, ngoài tượng các nhân vật nguyên bản như tích nhà Phật: thái tử Tất Đạt Đa, công chúa Da Du, hoàng hậu Ma Da… còn có những tượng già làng, chàng trai, cô gái, mẹ địu con. Bên đầu đao cong vút của mái chùa cạnh tượng Phật là những chiếc crăngđa tức là chuông gió, bà con làm bằng nứa, cắm trên nương để đuổi thú rừng. Sau chùa còn có khu rừng rậm, có thác nước rất đẹp - muốn xuống thác này phải theo lối mòn đi xuống, về thì leo lên (bạn nên hỏi đường đi trước nhé)...
Người ta cho rằng Chùa Di Đà đẹp, hài hòa như một bản nhạc rừng quả là không sai...

< Thả xuống một đoạn dốc cao, hư hỏng khá nặng do nước xoáy lỡ... thì gặp nhóm bạn trẻ này. "Cô chú chỉ giúp chùa Di Đà ở đâu".

Chùa Di Đà nuôi dưỡng 24 chú, bốn cô tiểu, từ tám đến 25 tuổi người Châu Mạ. Không chỉ là cơ sở tôn giáo, nơi đây còn là nơi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Châu Mạ, cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con trong buôn.

< Bọn mình chỉ. Lúc này trong đầu cũng có ý định quày trở lại nhưng thôi: thêm một tăng nữa là sẽ đến tu viện Bát Nhã mà.
Cạnh đây có một con suối, coi hay hay...
< Lại nổ máy lên đường, nắng gắt nhưng tiết trời vẫn se se lành lạnh.
< Rồi bọn mình tạm dừng chân tại đây: đây là cổng hậu của khu du lịch Dam'bri, nơi có một cây cầu xi măng bắc ngang dòng suối nước chảy xiết.
< Thác Dasara, thác Dam'Bri kề cận đó... nhưng thuộc khu du lịch.

Bọn mình từng vào đây mấy năm trước theo tour du lịch địa phương, bây giờ lượt phượt không thích vào.
< Ngồi quán cóc kề cạnh đó tán chuyện với chủ quán khá vui và vui hơn nữa khi "tranh luận" chuyện thời sự với bé chủ.
< Lại lên đường, lộ đất hơi te tua một chút.

Đây là đường bọc vòng vào cổng sau KDL, thỉnh thoảng có xe đặc chủng của họ chở khách chạy ra vào để thăm làng văn hóa nghề - đường chính ở cổng trước thì láng nhựa.
Xem bản đồ.
< Hai bên chập chùng những đồi trà nhưng mình phải nhìn đường, tránh ổ gà sống trâu...
< Cứ trực chỉ thôi, không cần phải hỏi dò đường nữa...
< Cuối cùng thì nhập chung vào đường nhựa. Xe chở khách phía trước là xe từ khu du lịch chạy ra.
< Đường vô tu viện Bát Nhã đây, ngay băng rôn "Vu lan tháng hội".
< Leo một con dốc ngắn hình cánh cung: trong đó lác đác vài chiếc xế hộp.
< Bao quanh tu viện là những đồi chè.
< Đông quá, vào thôi!

Viếng chùa nhiều chuyến rồi như đây là lần đầu tiên dùng bữa cơm chay tịnh...

Còn tiếp

Điền Gia Dũng

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 - Phần 21

Đình Khinh Dao - Di sản quý

Trong tổng số hơn 100 di tích lịch sử -văn hóa được công nhận cấp quốc gia tại Hải Phòng, đình Khinh Dao ở  xã An Hưng (An Dương) có quy mô kiến trúc, cảnh quan bề thế, trang trí nghệ thuật phong phú, là di sản quý của thành phố.
.
Bảo tồn nét kiến trúc thời Lê

Đình nằm ngay trên cánh đồng làng Khinh Dao, trên mảnh đất vuông vắn, phía trước có ao sen tạo không gian thoáng đãng, cảm giác thư thái cho du khách khi đến thăm, chiêm ngưỡng. Vào mùa hè, sen hồng nở rộ, tỏa hương thơm ngào ngạt khuôn viên đình.

Đặc biệt, di tích bảo tồn được nhiều nét kiến trúc thời hậu Lê thế kỷ 18. Trước cửa đình trang trí cuốn thư lớn, trên có khắc một bài thơ chữ Hán. Đình có 2 cổng uy nghi, dáng dấp như một khải hoàn môn ở phương Tây, nhưng vẫn mang nét kiến trúc truyền thống phương Đông. Hai bên cột đồng trụ cả 2 mặt trong và ngoài đều đắp nổi câu đối bằng loại chữ đỉnh (khi viết có hình dáng như đỉnh hương).

Qua khoảng sân rộng là đến trước cửa đình. Đình Khinh Dao xây dựng theo kiểu chữ đinh truyền thống gồm 5 gian tiền đường, 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũ hài, đầu mái đắp hình đao cong kiểu rồng chầu phượng mớm, bờ nóc mái đắp hình đao cong kiểu rồng chầu mặt nhật. Đây thực sự là công trình kiến trúc đồ sộ, bởi quy mô của  lớp lớp cột cái, cột quân, kèo, xà thượng, xà hạ…trải khắp 5 gian bái đường.

Toàn bộ hệ thống cột cái, cột quân đều đặt trên các chân tảng đá. Phần trên đục dải hoa văn ôm chân tảng. Nhờ có chân tảng cao nên các chân cột gỗ không bị ngấm nước, tạo độ bền vững cho công trình. Điểm đặc biệt nữa  của đình Khinh Dao là có 7 hiên đình bằng gỗ khá rộng bản, trang trí điêu khắc cầu kỳ với các đề tài hoa lá, rồng, mây…

Tòa hậu cung, nơi an tọa của thành hoàng làng, có quy mô 3 gian.Các vị thành hoàng được làng tôn thờ là Phạm Đình Trọng, cùng 6 vị thần thời Hùng Vương. Trong đó, thành hoàng Phạm Đình Trọng lúc sinh thời có nhiều công với dân làng như dựng đình, làm văn từ, văn chỉ… So với gian tiền đường, hậu cung, có kích thước nhỏ hơn nhưng trau chuốt, duyên dáng. Tường hồi mái phía ngoài hậu cung cũng thể hiện mái đao cong, đắp nổi rồng chầu phượng mớm. Nhìn bên ngoài tường hồi mái trông giống như kiểu kiến trúc chữ nhị.

Tôn thêm vẻ đẹp truyền thống

Trải qua thời gian, đình Khinh Dao không tránh khỏi sự xuống cấp. Để bảo tồn di tích này, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương, năm 2007, đình được tôn tạo, tu bổ bằng nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương, tổng giá trị  khoảng hơn 11 tỷ đồng. Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch làm chủ đầu tư, Công ty Tu bổ di tích và thiết bị văn hóa trung ương là đơn vị thi công.

Xác định rõ vị trí, ý nghĩa, giá trị lịch sử văn hóa của di tích, chủ đầu tư và đơn vị thi công bàn bạc, tìm giải pháp khắc phục khó khăn, thi công công trình đạt hiệu quả cao nhất về kỹ, mỹ thuật. Đến đầu năm 2011, công trình tu bổ, tôn tạo đình Khinh Dao hoàn thành, đưa vào sử dụng, gồm: đại đình diện tích 328m2, phương đình: 46m², hai cổng và bình phong, sân vườn, một số hạng mục công trình phụ trợ, tường rào.

Trước Cách mạng Tháng 8, lễ hội đình làng được tổ chức một năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch. Trong đó, tháng 3 là lễ hội chính, được thực hiện đầy đủ các nghi thức. Một trong những nghi trọng tâm của lễ hội đình là rước bài vị thành hoàng làng từ các miếu tập trung về làng, sau đó tổ chức tế. Bên cạnh phần tế lễ, trong lễ hội còn có rước lợn ông Bồ.

Theo quy định của làng, người nào nhận ruộng lộc điền thì năm đó phải nuôi lợn ông bồ, góp rượu, hoa quả cho lễ hội. Hiện, tại bậc thềm gian trung tâm của đình vẫn còn dấu tích của loại thước để đo kích thước lợn. Vào những năm được mùa, phần hội còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như hát xướng, vật, cờ, chọi gà. Ngày nay, lễ hội đình làng vẫn được duy trì với đầy đủ nghi thức tế lễ và trò chơi dân gian. Tuy nhiên, nghi thức rước lợn ông Bồ chưa được khôi phục.

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, nay nằm cạnh  khu công nghiệp hiện đại của thành phố, khu công nghiệp Nomura Hải Phòng, đình Khinh Dao với vẻ cổ kính, độc đáo về kiến trúc, là điểm di tích văn hóa hấp dẫn du khách trong nước, quốc tế đến tham quan tìm hiểu. Dân làng Khinh Dao đã, đang và sẽ cùng nhau gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa này cho muôn đời sau.

Du lịch, GO! - Theo báo Hải Phòng, internet

"Đôi mắt rồng" trên cao nguyên đá Hà Giang

Giữa miền khô khát bậc nhất cực Bắc của Tổ quốc, từ bao đời nay người dân hai thôn Lô Lô Chải và Thèn Tả (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang) đã chứng kiến hai hồ nước trong xanh, quanh năm không bao giờ cạn.
Hai hồ nước này từ lâu đã được coi như một biểu tượng của Cao nguyên đá, cũng từ đó đã có rất nhiều câu chuyện truyền thuyết kỳ lạ được truyền trong dân gian.

"Nơi rồng ở"

Nhắc đến Cao nguyên đá Đồng Văn ai cũng nghĩ ngay đến một vùng toàn đá. Nơi đây được nhiều người biết đến là địa danh khan hiếm nước nhất nước ta. Để có nước sinh hoạt cho bà con, hàng tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng khoảng 300 hồ treo trữ nước.

Tuy nhiên, những hồ nước nhân tạo đó cũng không cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho bà con là bao, vì hằng năm vào mùa khô nhiều hồ vẫn trong tình trạng trơ đáy. Đó vẫn đang là bài toán chưa có lời giải của tỉnh Hà Giang và nhiều nhà khoa học tâm đắc.

Ấy vậy mà, từ bao đời nay, ngay dưới chân đỉnh núi Rồng đã xuất hiện hai hồ nước lớn được ví như đôi mắt rồng với diện tích mặt hồ lên đến hàng nghìn mét vuông, nước trong hồ quanh năm không bao giờ cạn. Đây cũng là nguồn nước chính cung cấp cho 86 hộ, 411 nhân khẩu đồng bào Lô Lô ở Làng văn hóa Lô Lô Chải, và gần 100 hộ dân thôn Thèn Tả. Điều đặc biệt hai hồ nước này cách nhau khoảng 200m ngay dưới chân đỉnh núi Rồng. Trên đỉnh núi Rồng là cột cờ Lũng Cú.

Đứng trên cột cờ Lũng Cú du khách có thể "gói gọn" trong tầm mắt cả Làng văn hóa Lô Lô Chải và trung tâm xã Lũng Cú. Theo chị Đặng Thị Thanh, người dân làng văn hóa Lô Lô Chải, là hướng dẫn viên du lịch thì: "Lũng Cú là tên gọi theo tiếng Lô Lô còn gọi là "Long Cư", nghĩa là nơi rồng ở.

Chuyện kể rằng, xưa kia một con Rồng từ trên trời bay xuống và đậu trên ngọn núi cao nhất của khu vực hình chóp nón trên bản đồ Việt Nam. Rồng say sưa ngắm cảnh núi non hùng vĩ và rất hài lòng về điểm ngụ cư này. Song có điều làm Rồng động lòng trắc ẩn, đó là nơi đây rất thiếu nước sinh hoạt, bà con nhân dân vô cùng cực khổ.

Vì vậy, trước khi về trời, Rồng đã để lại đôi mắt cho dân làng như một nguồn nước cho cuộc sống sinh sôi nảy nở. Cũng từ đó hai hồ nước này được dân gian gọi là hồ mắt rồng, ngọn núi cao nhất này được gọi là núi Rồng".

Hồ nước không bao giờ cạn

Điều khó tin nhất là tại sao ở độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển mà hai hồ nước không bao giờ cạn, trong khi đó nhiều hồ nước nhân tạo mới được xây dựng đến mùa khô lại cạn. Ngay cả con sông Nho Quế nước cuồn cuộn chảy cũng gần như cạn kiệt vào mùa khô.

Theo các cụ cao niên trong Làng văn hóa Lô Lô Chải và thôn Thèn Tả thì sở dĩ hai hồ nước không bao giờ cạn vì đây là đôi mắt của rồng tiên để lại, khi hồ nước vơi đi ít nhiều thì lại có những trận mưa cấp nước cho hồ.

Ở giữa hai hồ nước lớn là một quả núi nhỏ. Vì nó nằm ở giữa hai hồ nước nên nhiều người cho rằng đó chính là mũi của rồng. Trên núi là những ngôi nhà của người Lô Lô nhưng ít ai biết được trong lòng núi đó là hang nước. Đó là con suối nhỏ trong vắt, là nguồn nước uống chính của 411 người dân tộc Lô Lô và hàng trăm bà con dân tộc khác xung quanh. Nơi đây được bà con rất coi trọng, họ rất kiêng kỵ và gìn giữ, chính vậy mà bao đời nay hang nước này vẫn không hề có gì thay đổi.

Ông Trình Dỉ Gai, trưởng bản Lô Lô Chải khi được hỏi về hai hồ nước được dân gian truyền rằng là hai mắt của rồng cũng không thể lý giải. Nhưng dù sao chăng nữa, nơi đây vẫn là nơi được người dân coi trọng nhất, đó là nguồn sống, là biểu tượng của cả vùng Cao nguyên đá bao gồm 4 huyện Yên Minh, Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc khô khát.

Hồ mắt rồng được hình thành trên dải núi cao cấu tạo từ đá vôi cứng xen với các dải đá vôi mềm có lẫn đất sét. Loại đất đá này rất cổ, khác với loại đá vôi ở phía nam Đồng Văn và Mèo Vạc - đá vôi tương đối thuần, là ở các dải đá mềm ở Lũng Cú chứa nhiều lớp đá sét (trên Lũng Cú, nơi nào núi cao là đá vôi cứng. Nơi nào thấp thường là đá vôi lẫn sét mềm). 


Mặt khác, khi phong hóa, đá này để lại lớp đất sét dày, rất thuận lợi cho cây cối phát triển và con người sinh sống. Lớp đất đá sét này chính là tác nhân chắn nước để hình thành nên hồ nước. Các trũng thấp thường là nơi giao nhau của các dải đá mềm, nơi mà đá vôi, do quá trình phong hóa đã hòa tan theo nước mưa thấm chảy qua hang hốc vào lòng đất, đất sét không hòa tan, còn lưu lại.


Ở một số trũng, mức độ hòa tan của đá vôi mạnh hơn, hạ thấp nhanh, tạo nên phễu thu nước từ các khu lân cận. Trong các đợt mưa lớn, nước chảy mạnh, có thể cuốn theo đất đá và cây cối, chẹn lấp một phần đường thoát, giữ nước lại trong phễu, hình thành dần nên hồ nước. Vì phễu nằm thấp, nên nước ngầm trong các đồi núi xung quanh thấm dần vào hồ, giữ cho hồ có nước gần như quanh năm.


Ngoài ra, có thể phễu hình thành do sập hang động, hoặc con người xưa kia đã lấy đất đá lấp hang động để giữ nước - song có lẽ ít khả năng hơn. Cái chính là khu vực này có đá vôi xen đá sét nên mới có điều kiện chắn nước và giữ nước lại.

Du lịch, GO! - Theo Bee, internet

Hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân được tổ chức mỗi hai năm một lần tại Quan Đế Miếu (hay còn gọi là Chùa Ông) thuộc thành phố Phan Thiết. Đây là một lễ hội của cộng đồng người Hoa với nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ và bảo tồn từ nhiều năm nay.

Từ sáng sớm, hàng ngàn người dân địa phương cùng với bà con người Hoa Phan Thiết đã tham gia Lễ thỉnh Thánh Mẫu, Lễ thỉnh kinh tại chùa Bửu Quang, Lễ thỉnh nước giếng tại chùa Thiền Lâm, Lễ thỉnh kiệu Thần Chiêu Ứng Công, Lễ yết Quan Thánh, Lễ chiêu vong linh và các lễ ra mắt Ông của 2 Hội quán Phước Kiến và Quảng Đông.

Người dân địa phương và du khách đã tận hưởng những màn biểu diễn nghệ thuật của Hội quán Phước Kiến trong lễ nhạc, trang phục truyền thống thì Hội quán Quảng Đông rộn ràng với nghệ thuật Lân-Sư-Rồng, múa cung đình, tái hiện các truyền thuyết Trung Hoa như Tam Tạng thỉnh kinh, Bao công xử án, Đồng tử bái Quan Âm, Thần Tài, Đào tiên. Một nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Hoa ở Phan Thiết nói riêng và trong cả nước nói chung.

Sau phần nghi thức khai kinh trang trọng tại chùa Ông, du khách cùng cộng đồng người Hoa Bình Thuận và các địa phương lân cận đã vào viếng và thắp hương trước tượng và linh vị Quan Thánh. Trước đó, vào chiều 29/8 dù trời mưa nhưng Lễ thỉnh kiệu Bà Thiên Hậu tại Thiên Hậu Cung về chùa Ông vẫn diễn ra trong không khí trang trọng của lễ hội.

Theo đó, chương trình sẽ được tiếp tục với phần lễ ra mắt Ông của các Hội quán Hải Nam, Triều Châu và Đoàn Thanh Long với các hoạt động như đoàn Bát Tiên, thiếu nữ gánh hoa, múa dân gian, hóa trang các nhân vật Châu Xương, Trương Phi và Quan Bình. Ngoài ra, còn có các nghi lễ như phóng sanh, cúng ngọ, phóng đăng, thả thuyền tại cửa biển Phan Thiết.

Lễ hội Nghinh Ông Quan Thánh Đế Quân là lễ hội truyền thống của cộng đồng người Hoa địa phương đáo lệ 2 năm tổ chức một lần vào năm chẵn với ý nghĩa cầu mong quốc thái dân an. Lễ hội năm nay diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 30/8-1/9), trong đố có phần hội rất độc đáo là “Nghinh Ông xuất du” với đoàn rước gần 800 người diễn ra trên các trục đường chính của thành phố Phan Thiết có nhiều hoạt động như biểu diễn nghệ thuật dân gian, đi cà kheo, múa Lân-Sư-Rồng, hóa trang các nhân vật tôn giáo và lịch sử và biểu diễn Rồng xanh dài nhất Đông Nam Á.

Theo ban tổ chức lễ hội cho biết, lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế Quân năm nay còn gắn liền với sự kiện múa Rồng dài 49 mét. Sau đó, con rồng dài nhất Đông Nam á sẽ chính thức ra hà Nội để phục vụ cho lễ hội ngàn năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là lần thứ 8, lễ hội Nghi Ông Quan Thánh Đế Quân được tổ chức hoành tráng, đậm đà bản sắc văn hóa của người Hoa giữa lòng thành phố biển.

Du lịch, GO! tổng hợp

Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2011

Madagoui - Đạ Tẻh: hành trình tìm thác và đèo... (Phần 16)

Chạy vượt đèo Lộc Bắc quanh co quặn quẹo mãi rồi cũng đến khu dân cư với nhà cửa lưa thưa thôi, không nhiều, không sầm uất.

Mình xin nói sơ qua chút thông tin biết được về Lộc Bắc:
Huyện Bảo Lâm có 14 đơn vị hành chính bao gồm thị trấn Lộc Thắng và 13 xã: Lộc Quảng, Lộc Tân, Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, Lộc Phú, Lộc Ngãi, Lộc Đức, Lộc An, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc và BLá. Những xã này hầu hết thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Bảo Lộc cũ. Xã Lộc Bắc chính là vùng chiến khu xưa của tỉnh Lâm Đồng và làm một trong những xã nghèo nhất huyện.

Lộc Bắc ngày xưa là cơ sở cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Năm 1994, xã Lộc Bắc được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng, đây cũng là nơi vang danh người du kích K"Vét từng bắn rơi máy bay Mỹ.

< Trẻ em Lộc Bắc rong chơi cạnh đường lộ.

Cư dân Lộc Bắc đa phần là người Châu Mạ chiếm trên 70% trong tổng số khẩu đồng bào dân tộc thiểu số có quá trình sinh sống ở đây từ rất lâu đời. Bổ sung vào thành phần cư dân sau này là các đợt di dân đến vào nhiều thời kỳ khác nhau, trong đó là một số dân tộc từ các tỉnh miền Bắc đến sinh cơ lập nghiệp.
< Cô bé xinh xắn, tuổi chỉ độ 15 đang địu em bé - chả biết em hay con...

Đợt di dân đông đảo đầu tiên là vào đầu thế kỷ XX, khi người Pháp khai thông quốc lộ 20, tiến hành lập các đồn điền. Toàn vùng cao nguyên Di Linh - Bảo Lộc thời kỳ đó có đến 400 đồn điền với gần 20.000ha chè, cà phê.
Công cuộc khai hoang lớn đầu tiên đã đưa lên đây hàng chục ngàn lao động cho đến nay đã trải qua nhiều thế hệ gắn bó với vùng đất này. Trong những năm đầu của thập kỷ 80, khi mở ra các nông trường thuộc Liên hiệp các xí nghiệp dâu tằm tơ Việt Nam, đã có nhiều đợt lao động và các hộ dân đi khai hoang xây dựng kinh tế mới được chuyển đến vùng Bảo Lâm.
< Nói đến khu dân cư nhưng thật sự phải chạy thêm vài cây số nữa mới hết đèo.

Về văn hóa: xã Lộc Bắc đã phát hiện được 2 bộ đàn đá, các nhà khảo cổ học xác định những hiện vật này có niên đại cách đây trên 2.000 năm. Ngày trước, đồng bào dân tộc ở xã Lộc Bảo, Lộc Bắc còn lưu giữ nếp sống trong các nhà dài bao gồm nhiều thế hệ đồng tộc cùng chung sống trong một gia đình lớn... nhưng nghe đâu bây giờ đa phần là nhà tôn.
Các tập quán sinh hoạt,  lễ hội cúng Giàng, cúng mùa, cầu an, cầu mưa của họ cho đến nay vẫn giữ được nguyên vẹn bản sắc văn hóa riêng của dân tộc mình ngoại trừ phong tục “cà răng căng tai” chỉ còn tồn tại với các cụ già trọng tuổi - ví dụ như cụ bà K’Anh - người lớn tuổi nhất của dân tộc Châu Mạ. Dù đã 92 tuổi nhưng cụ có một sức khoẻ rất dẻo dai và vẫn còn minh mẫn, cụ còn là người có đôi tai dài và đẹp nhất của miền cao nguyên Lâm Đồng...
Dù đến địa phận Lộc Bắc thật nhưng bọn mình vẫn chạy thêm mấy cây số nữa mới gặp trung tâm xã, nơi có UBND, nhà cửa nhiều hơn. Việc đầu tiên lúc này là tìm nơi đổ xăng cái đã vì chạy reset hơn chục cây số rồi. Hỏi đường xá, sẳn tiện hỏi luôn cây xăng thì được người địa phương chỉ dẫn: tít dưới kia.
< Và "cây xăng" đây! chổ này kiêm cả tạp hóa, hàng rau. Nói nôm na là một "siêu thị" đa chức năng. Mình đổ tạm 1 lít vậy, giá 24K.
< Cư dân bò thì đâu cũng thấy, nhiều lắm.
< Cầu B'Lach.
< Được một đoạn thì đến ngã 3: Quẹo phải là trực chỉ Bảo Lộc, rẽ trái là vào Thủy điện Đồng Nai 4 (một trong "đống thủy điện trên dòng sông này) Bản đồ

Ngay ngã 3 có tấm bảng quảng cáo cây xăng PV Oil, tên khá lạ lẫm với dân TP nhưng phải quẹo vào thủy điện - mình bỏ qua không đổ - hồi sau thì tiếc.
< Quẹo phải thì vào một nhánh riêng của QL28 nối Lộc Bảo - Lộc Thắng.
< Đường vặn vẹo nhưng chưa đến đèo - đèo đề cập đây là đèo B40.
< Những đường cong vòng vèo phía xa xa...
< Bắt đầu vào đèo rồi.
< Vài người dân tộc bước ven đường, có lẽ ra rẫy.
< Vượt dốc lên cao rồi lại đổ đèo.

Vì sao có tên là đèo B40 thì mình chưa chắc chắn nhưng đây cũng là một thắng cảnh đẹp giữa miền cao nguyên.
< Chân đều bước, trên lưng đèo gùi.
< Giữa khe núi đèo B40.

Nhưng trong chiến tranh: chắc chắn đoạn đường này sẽ là sự khởi đầu của việc đối diện với những khầu B40, âm thầm nhưng đầy uy lực.
Nhiều người bảo nên đổi tên đèo là Pọt Chan hay gì khác... cho có vẻ dân tộc và huyền thoại chứ tên đèo B40 nghe dễ sợ quá...
Nhưng đa phần người địa phương lại cho là cứ để tên đèo B40 để du khách phải tìm hiểu mà nhớ lại chút kỷ niệm của thời chiến tranh.
< Những góc ngoặc liên tục.
Chiến tranh đối với vùng đất này quá tàn khốc nhưng bây giờ cây cối đã lấp đầy. May mà còn sót lại ba cái tên gợi nhớ thời bom đạn ấy là đèo B40, buôn Hang Bom và núi Danchil...
< Lúc trèo dốc này thì xe lại cà khựng, báo hết xăng lần 2. Lại reset, phải chi hồi nãy quẹo vào nhà máy thủy điện Đồng Nai 4 làm một bình đầy cho rồi, chẹp...
< Thi thoảng lại có vài bóng xe, không nhiều. Khi nào xăng hết thì ngoắc xin, he he...
< Đồng hành.
< Đường lánh nạn: mất thắng thì xe bự "xực" thẳng vào đây.
< Lộc Thắng còn 21km nữa! Chẹp chẹp, đang chạy reset nhưng sao xa lòi tròng...
< Gió vẫn vi vu bên tai, tiết trời se se lạnh - dù gì bọn mình cũng đang ở Bảo Lộc mà.
< Tiết kiệm tối đa: các dốc cứ bóp ambraya thả trớn êm re...
Leo dốc, đường xấu thì hao nhiên liệu chứ đường thía này: thoải mái!
< Tiếp một lần xuống dốc khác...
Cuối cùng thì cũng đến khu dân cư - Đây là xã B'Lá.

Từ nơi này: bọn mình dự định sẽ ghé thăm chùa Di Đà hoặc tu viện Bát Nhã. Thác Dam'bri gần đó nhưng nằm trong khu du lịch, bọn mình không vào.

Còn tiếp

Điền Gia Dũng

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20