Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

Pha Đin: nơi trời - đất giao hòa

Nếu đi theo Quốc lộ 6, bạn sẽ vượt qua cao nguyên Mộc Châu - nơi có nhiều phong cảnh "sơn thủy, hữu tình" rồi tới Yên Châu, Thuận Châu (thuộc tỉnh Sơn La).

Từ Thuận Châu đi Tuần Giáo là gặp đèo Pha Đin (phiên âm tiếng dân tộc Thái có nghĩa là "trời - đất") nằm ở vị trí giao điểm giữa Sơn La và Điện Biên. Nếu theo đường 4D, bạn sẽ từ Lào Cai vượt đèo Hoàng Liên sang Lai Châu, qua Bình Lư, Phong Thổ, vượt đèo Ma Thì Hồ, Mường Lay tới Điện Biên, rồi đi tiếp từ thành phố Điện Biên tới Tuần Giáo chừng hơn 80 cây số là gặp đèo Pha Đin.

Đèo Pha Đin có độ dài 32km nằm trên Quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Du khách thường xếp đèo Pha Đin vào một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quý Hồ, đèo Khau Phạ và đèo Mã Pì Lèng, đèo Lũng Lô.
.
Tài liệu của ngành giao thông - vận tải cho biết: Đèo Pha Đin kéo dài từ km 360 đến km 392 trên Quốc lộ 6, là nơi tiếp giáp theo hướng Đông - Tây giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Điện Biên, nằm trong hệ thống cao nguyên Tả Phìn Tây. Trải nghiệm một ngày trên đèo, chúng tôi nghỉ chân tại hai điểm chân đèo và một điểm đỉnh đèo. Đỉnh đèo có độ cao 1.648 mét so với mực nước biển. Không nhìn thầy bản làng nào, chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một. Tại đây có một tháp truyền hình tiếp sóng truyền hình Việt Nam. Trò chuyện với anh em công nhân kỹ thuật trực trạm, các anh cho hay, tháp có tổng khối lượng khoảng 70 tấn, chịu sức gió 200km/h. Trực trạm ở đây là sống hòa mình cùng trời đất, bởi quanh năm vắng vẻ, chẳng khác gì các anh ở trạm vật lý địa cầu năm xưa bên đỉnh đèo Hoàng Liên vậy.

Từ đỉnh đèo nhìn xuống, Pha Đin hiện ra một địa thế rất hiểm trở, chênh vênh, con đường mỏng manh vắt vẻo giữa một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Độ dốc của đèo khoảng 10%, có chỗ 12% đến 15%, thậm chí có những đoạn cua ngược dốc cục bộ 19%.

Lúc lên dốc và xuống dốc, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z, trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Nghĩa là, nếu hai xe ô tô gặp nhau thì phải căn cứ luật giao thông đường bộ để xem xe nào phải lùi nhường đường cho xe ưu tiên, nhưng luật là luật vậy thôi, cánh lái xe cho biết, xe chở khách vẫn luôn được ưu tiên số một, mọi tài xế xe tải qua đèo đều nhường đường cho xe khách, trừ các xe tải siêu trường, siêu trọng đang vào cua, lúc đó xe khách tự giác nhường quyền ưu tiên.

Một yếu tố nguy hiểm của Pha Đin là nằm trên khu vực núi đất đỏ, không phải núi đá vôi như các con đèo lừng danh khác, nên nền đất tương đối yếu, dễ xảy ra sụt, trượt, lở đất vào mùa mưa và thêm vào đó, trước đây bề mặt đường rất thô sơ, mới được rải đá cấp phối. Chính vì vậy, những năm qua đã có một số vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường đèo. Từ 2006 đến 2009, cung đường đã được đầu tư sửa chữa và nâng cấp, rải nhựa. Vì vậy, ngày nay đi trên cung đường này, cuộc vượt đèo đã nhàn nhã hơn rất nhiều.

Từ đỉnh đèo xuống lưng chừng, cảnh quan đèo Pha Đin mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống, sẽ thấy thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo, nơi ngày xưa trong sách giáo khoa cấp 1, có bài đọc về tấm gương Anh hùng lao động Hồ Giáo trên cao nguyên này. Còn ngược dòng lịch sử, sẽ cảm nhận được không khí trong kháng chiến chống Pháp, đây là một trong những tuyến huyết mạch quan trọng tiếp vận vũ khí đạn dược và lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) của quân và dân ta. Đèo Pha Đin đã trở thành một biểu tượng của tinh thần quả cảm, gan dạ của quân dân Việt Nam quyết tâm đánh đuổi thực dân, giải phóng quê hương đất nước.

Lịch sử còn ghi: Đèo Pha Đin là chứng tích lịch sử con đường tiếp vận giải phóng Điện Biên Phủ, với hơn 8.000 thanh niên xung phong tải lương, tải đạn, vận chuyển pháo cũng như các trang, thiết bị và vũ khí cho chiến dịch. Nhằm chặn đứng tuyến tiếp vận này của ta, suốt 48 ngày đêm ròng rã, tướng Pháp Đờ Cát - tơ - ri (Christian de Castries) đã cho máy bay oanh tạc đường số 6, trong đó đèo Pha Đin và ngã ba Cò Nòi (di tích lịch sử quốc gia ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là hai nơi hứng chịu nhiều nhất lượng bom đạn đổ xuống.

Những năm từ 2006 đến 2009, dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo với tổng mức đầu tư hơn 1.165 tỷ đồng đã hoàn tất. Tuyến đường tránh đèo Pha Đin được xây dựng bám theo sườn núi các đỉnh đèo phụ phía trái Quốc lộ 6 cũ, có độ cao khoảng 1.000m (thấp hơn đèo Pha Đin 200 - 400m), đã khiến xe cộ ít lưu thông qua cung đường qua đèo Pha Đin và con đèo chỉ còn phù hợp với khách du lịch ưa mạo hiểm. Cũng chính vì vậy, chúng tôi lại nhớ tới tâm sự của các anh trực trạm truyền hình. Có những anh chị trong ca trực đêm giao thừa, vậy là coi như cả cái tết ăn ở với đèo, nhưng vinh dự lắm, bởi trạm này tiếp phát sóng cho cả khu vực rộng lớn, việc hy sinh tình cảm gia đình để phục vụ đông đảo công chúng xem truyền hình, để nhiều người dân thêm niềm vui Xuân, đón Tết và nắm bắt được những thành tựu của đất nước, quê hương thông qua loại hình thông tin đại chúng này.

Tìm hiểu về truyền thuyết vùng đất và tên đèo, chúng tôi ghi lại được từ một số già làng ở Mường Quài rằng: Pha Đin nghĩa là trời đất. Người Thái vẫn than "Phạ ơi!" dịch ra tiếng Kinh là "trời ơi"; "Pha" ở đây gọi chệch từ Phạ, có nghĩa là "cha trời", còn "Đin" là mẹ đất. Cái tên này xuất phát từ đặc điểm của đỉnh núi chan hòa giữa không trung bao la đất trời, như là nơi giao hòa của Trời - Đất.

Gắn với đỉnh núi có một truyền thuyết: Xửa xưa, khi người dân cư trú hai bên vùng núi tranh chấp bất phân thắng bại, mới nghĩ ra một kế để phân chia đất là đua ngựa. Ngựa của Lai Châu và Sơn La cùng xuất phát từ hai đằng phía xa. Ngựa chạy đến đâu, phần đất thuộc về địa phận bộ lạc đó cho đến khi gặp nhau. Kết quả là ngựa Lai Châu chạy nhanh hơn một chút nên phần đất thuộc về Lai Châu rộng hơn một chút. Điểm gặp nhau của đôi ngựa chính là đỉnh đèo Pha Đin.

Người đi du lịch, ngoài việc chia sẻ với người thân, bạn bè, hoặc viết cộng tác với báo chí, còn thường sẻ chia cảm tưởng của mình trong các diễn đàn, trong đó có người viết: "Qua đèo Pha Đin, dưới chân đèo còn lác đác vài bản, lên gần đến đỉnh đèo thì hầu như không còn bản làng nào nữa. Chỉ có trời xanh thẳm và núi rừng xanh thẫm hoà quyện với nhau".

Còn một anh bạn tôi, người thành phố Hồ Chí Minh say mê nhiếp ảnh cùng đi chuyến này với chúng tôi thì thổ lộ: "Đứng trên đỉnh đèo thấy cái nghĩa của từ Pha Đin thật đúng, thấy đất nước mình đẹp và nên thơ quá! Cùng anh em bè bạn ghé thăm bản Thái ngay chân đèo, nhâm nhi tách trà đắng, chơi đùa với lũ trẻ trong làng, thấy được cái thú của người đi du lịch khám phá".

Trước đây, một vài lần đi qua Pha Đin, chúng tôi rất ngại vì con đường "lởm khởm" đầy đất đỏ và lổn nhổn đá răm. Nắng ráo thì bụi (vì nền đất đỏ), còn mưa thì đúng là bơi trong bùn lầy. Nhưng đến năm 2010 thì việc cải tạo cung đường đã hoàn thành. Người từ miền xuôi muốn lên tham quan một "Điện Biên Phủ chấn động địa cầu" và ngắm hoa ban, hoa mận, trải nghiệm những thú vị từ nếp văn hóa của các dân tộc thiểu số "nơi cuối trời Tây Bắc" này bằng đường bộ đã được thuận lợi hơn nhiều.

Cánh nhiếp ảnh thì mê mệt nụ cười của các cô gái Thái e ấp sau chiếc quạt, say sưa với điệu múa sạp và nếu có chếnh choáng hơi men rượu cần mà nhảy vào thì thế nào cũng bị kẹp chân bởi múa sạp nhìn thì dễ, có vẻ lả lơi, nhưng nhịp điệu là bất biến. Thôi thì cứ cảm nhận, cứ tìm góc máy, tìm bố cục mà chụp ảnh, ngõ hầu kiếm được tấm ảnh nghệ thuật ưng ý, mang được cái hồn người Tây Bắc thì quý giá biết bao nhiêu.

Du lịch, GO! - Theo báo Lào Cai, ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét